Đô thị lộn xộn do bao cấp quy hoạch
TP.HCM chưa có được những tác phẩm kiến trúc mang dấu ấn thời đại. Nhà nước nên đứng ra đầu tư hạ tầng chung, xây dựng các khu tái định cư, hình thành các lô đất sạch rồi mới bán đấu giá cho tư nhân.
"Các ngành nghề khác nếu lỡ sai một chút còn có thể sửa sai được, riêng ngành y và ngành quy hoạch là không được phép sai. Những sai sót của các ngành này đều dẫn đến hệ lụy rất ghê gớm, thậm chí không còn cơ hội để sửa chữa...".
Đó là chia sẻ của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM, với Pháp Luật TP.HCM.
Nếu TP HCM có một chính sách đồng bộ về đất đai, giao thông và kiến trúc ngay từ đầu thì việc giải quyết bài toán về tổng thể kiến trúc đô thị dễ dàng hơn nhiều. |
Nhà nước đứng ra đầu tư hạ tầng chung
Ông đánh giá thế nào về kiến trúc đô thị tại TP.HCM hiện nay?
Trước hết phải khẳng định trong quy hoạch kiến trúc, cái đẹp cần phải đặt hài hòa trong một tổng thể chung. TP.HCM có nhiều khu rất đẹp, mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Vĩnh Nghiêm, đình Lê Văn Duyệt, chợ Bình Tây, chợ Sài Gòn...
Bên cạnh đó là những công trình mang hơi thở của thời đại như các khu đô thị mới, các trục đường giao thông lớn như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường vành đai... Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì kiến trúc chung của đô thị TP khá lộn xộn. Nếu TP có một chính sách đồng bộ về đất đai, giao thông và kiến trúc ngay từ đầu thì việc giải quyết bài toán về tổng thể kiến trúc đô thị dễ dàng hơn nhiều.
Vậy ông "đọc" câu chuyện về quy hoạch của TP hiện nay như thế nào?
Nhiều nước trên thế giới không dùng từ "quy hoạch" mà là "kế hoạch", bao gồm kịch bản tổng thể, cách thực hiện, thời gian, tiền bạc và người chịu trách nhiệm. Ở ta, việc quy hoạch thường theo hình tháp từ trên xuống và lại giao cho các quận, huyện thực hiện từ dưới lên nên dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Cạnh đó, những dự án do tư nhân thực hiện thường quy hoạch theo kiểu phân lô, chia nhỏ với một bố cục lộn xộn, hình thành nên những khu vực vừa ở, vừa buôn bán, vừa sản xuất. Tình trạng này kéo dài khiến quỹ đất của TP ngày càng cạn kiệt, bộ mặt của đô thị cũng kém mỹ quan.
Theo tôi, chúng ta cần sớm thay đổi tư duy về quy hoạch. Cụ thể, Nhà nước nên đứng ra đầu tư hạ tầng chung, xây dựng các khu tái định cư, hình thành các lô đất sạch rồi mới bán đấu giá cho tư nhân. Khi đó, Nhà nước thu lại nguồn tiền khổng lồ nhằm tái đầu tư về nhà ở xã hội, hạ tầng giao thông... Như vậy cả người dân, nhà đầu tư, Nhà nước đều được lợi.
Ông có nhắc đến một chính sách đồng bộ để giải quyết bài toán về quy hoạch đô thị của TP. Việc áp dụng các chính sách này vào đô thị TP.HCM đang ở mức độ nào, thưa ông?
Để giải quyết được bài toán về đô thị không phải chỉ muốn là được mà phải hình thành từ chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách về đất đai, về giao thông và về kiến trúc đô thị. Các chính sách trên của ta hiện nay đều chưa rõ ràng, chẳng hạn chính sách về đất đai hiện đang làm lợi cho các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội. Thử nhìn sang nước láng giềng là Trung Quốc, vốn có hình thái rất giống Việt Nam.
Ở đó, chính quyền không cho phép mua bán đất đai ở nông thôn mà để dùng làm quỹ đất dự trữ và chính phủ đầu tư xây dựng những khu đô thị ngăn nắp, trật tự. Họ cũng không cho người dân tự phân lô hộ lẻ nên không có tình trạng xuất hiện những ngôi nhà ổ chuột, siêu mỏng, siêu méo. Bên cạnh đó là cách tổ chức giao thông khoa học nên không có hình thái kinh tế "mặt tiền" hay buôn bán trên vỉa hè.
Còn cái khó nhất của vấn đề quy hoạch hiện nay là gì?
Tôi có cảm giác Nhà nước đang bao cấp về vấn đề quy hoạch và xây dựng. Chính tư tưởng đó sinh ra một bộ máy quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong cả nước rất tốn kém nhưng hoạt động không hiệu quả. Thêm vào đó là các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Quy hoạch kiến trúc đô thị TP hiện nay chủ yếu là của tập thể và không mang dấu ấn cá nhân. Khi đã là của tập thể thì không ai chịu trách nhiệm và khó có được những tác phẩm quy hoạch kiến trúc mang dấu ấn thời đại.
Duy trì bản sắc TP kẻ chợ
Gần đây các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động nhằm tìm cách bảo tồn các công trình kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn lịch sử. Theo ông, ngoài những công trình này, điều gì đã tạo nên bản sắc riêng cho Sài Gòn ngày nay?
Tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và thấy rằng không có TP nào có nhiều kênh rạch, sông ngòi như TP.HCM. Đó chính là bản sắc riêng của TP. Sông Sài Gòn lớn hơn cả sông Seine của Pháp và uốn lượn chứ không thẳng băng như sông Hàn của Hàn Quốc.
Đặc trưng của Sài Gòn xưa là hình ảnh sinh hoạt của người dân theo kiểu trên bến dưới thuyền do cư dân khắp nơi đổ về sông Sài Gòn buôn bán tạo nên cảnh giao thương tấp nập một thời. Đó cũng là lý do khiến Sài Gòn ngày nay rất độc đáo với sự tồn tại của nhiều tôn giáo: đạo Phật, Cơ Đốc, Thiên Chúa giáo...
Vậy chúng ta cần làm gì để duy trì những bản sắc văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một do quá trình đô thị hóa như hiện nay, thưa ông?
Trước hết, nên mở rộng hai bên sông Sài Gòn, mỗi bên trừ lộ giới khoảng 200 m (ở Hàn Quốc là 500 m) thay vì 20 m như hiện nay. Trên khoảng đất lộ giới này sẽ xây dựng các công trình xã hội như công viên, bảo tàng lịch sử, các công trình văn hóa giải trí và hình thành bến thuyền, bến ghe để tàu bè ra vào. Những đoạn nào cấm tàu bè qua lại thì nghiên cứu làm cảnh quan phù hợp. Khi đó, Sài Gòn sẽ mang dấu ấn của một TP trên sông rất độc đáo.
Tiền thân của Sài Gòn là TP kẻ chợ và người dân Sài Gòn là dân kẻ chợ. Do đó việc quy hoạch chợ truyền thống trong các khu phố hoặc ven sông là điều cần thiết. Việc hình thành những khu phố thương mại và chợ tập trung đậm tính đặc thù của Việt Nam có rất nhiều cái lợi: Duy trì nét văn hóa truyền thống của người Việt; thu hút du khách nước ngoài; triệt tiêu chợ cóc, chợ tự phát mọc tràn lan như hiện nay...
Xin cảm ơn ông.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TPHCM năm 1981. Từng tham gia nhiều công trình quy hoạch. Những công trình chính là TT Thể dục thể thao ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc Gia TPHCM, TT Plaza Buôn Ma Thuột, trụ sở báo Pháp Luật, Tuổi Trẻ, bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm, cao ốc Saigon Mansion... |
Theo Pháp luật TP HCM