Địa ốc “vượt bão”?
Hàng loạt thông tin u ám về thị trường địa ốc thường xuất hiện trên báo chí làm nản lòng nhà đầu tư và gây lo lắng cho nền kinh tế. Tiền được ví như “máu” của doanh nghiệp nhưng lại bị siết.
Doanh nghiệp (DN) không có tiền thì không thể làm dự án, đành bó tay. Còn người muốn mua nhà, hầu hết phải đi vay nhưng vì lãi suất quá cao nên cũng đành bó gối! Đó là một trong những nguyên nhân làm thị trường địa ốc đóng băng. Nhà không bán được đương nhiên sắt thép, xi măng, gạch ngói, trang trí nội thất cũng bị “dính” theo…
Khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác để cùng phát triển. Ảnh: Kim Ngân |
Liên kết
Tuy nhiên, trong cơn khốn khó này, một số DN ngồi lại tìm hướng đi mới qua hình thức liên kết với nhau, nôm na như “góp gạo nấu chung”, cùng chia sẻ khó khăn. Sự kiện đình đám mới đây nhất là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), trong một buổi đã ký kết hợp tác chiến lược với 8 công ty trong các lĩnh vực gốm sứ, thép, gạch, xây dựng, bê tông tươi…, tức là các sản phẩm cấu thành xây dựng chung cư.
Theo đó, trong năm 2011, Sacomreal thực hiện các dự án Belleza (quận 7), Carillon (Tân Bình), Sacomreal Hùng Vương (quận 6). Các đối tác sẽ cung cấp tất cả sản phẩm và dịch vụ từ khâu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng đến cung ứng nguyên vật liệu cho Sacomreal trong suốt quá trình phát triển dự án. Đây là quá trình khép kín, đảm bảo được các yếu tố tiến độ thực hiện dự án nhanh, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành sản phẩm thấp.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacomreal, cho biết: Các đơn vị đồng ý cho Sacomreal trả chậm, trả dần đối với tiền thanh toán cho việc cung cấp, thi công sản phẩm và sẽ không chịu lãi suất. Nhờ đó, giá thành căn nhà sẽ giảm 10% - 20%, sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rất tốt cho các dự án do Sacomreal thực hiện.
Việc liên kết gần như đã phổ biến trong hoạt động kinh doanh địa ốc. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, nhận xét: “Khi nguồn vốn bị siết chặt thì việc liên kết, hợp tác với nhau là giải pháp tối ưu để khỏi phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng”. Hiện công ty này đang triển khai 6 dự án nhà ở đều có liên kết với các doanh nghiệp khác, như cùng Công ty CP Bất động sản dệt may Việt Nam xây chung cư TDH - Phúc Thịnh Đức và Trung tâm thương mại - căn hộ Aquila Plaza; cùng với Công ty Deawon xây dựng hàng loạt chung cư tại quận 2, quận 9…
Qua quá trình làm ăn chung với nhau, ông Nguyễn Bảo Hoàng nhận định, không chỉ góp sức nhau trong thời điểm khó khăn mà về xu hướng lâu dài việc liên kết với nhau sẽ tạo thêm sức mạnh.
Chia... nhà
Hiện nay một hình thức khá phổ biến nữa là liên kết giữa các chủ đầu tư và nhà thầu: một bên có đất, một bên xây dựng, sau đó chia nhà với nhau.
Kiểu “góp gạo” này sớm nhất là dự án Era Town (quận 7) do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng là Công ty Xây dựng - địa ốc Hòa Bình. Thay vì trả tiền mặt cho nhà thầu thì chủ đầu tư chia lại một lốc chung cư với 240 căn hộ. Khi nhận số căn hộ trên, đầu tiên Công ty Hòa Bình bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên công ty, còn lại bán ra thị trường, đến nay đã bán được 160 căn hộ, một con số khá lý tưởng so với tình hình ảm đạm như hiện nay.
Ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình, cho biết, đây là giải pháp tốt cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như nhà cung ứng vật liệu xây dựng. Vì thị trường khó khăn nên một mình chủ đầu tư sẽ khó kham nổi, dẫn tới dự án triển khai chậm, trong khi sự tham gia của nhiều bên sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, quay vòng đồng vốn nhanh, không bị công nợ. Hơn nữa ngay cả nhà thầu cũng cần có công ăn việc làm, nên sẵn sàng chung tay với chủ đầu tư vừa xây dựng, vừa bán hàng.
Tương tự, dự án chung cư Hoàng Kim Thế Gia (quận Bình Tân) do Công ty Vĩnh Phong Thái làm chủ đầu tư đã phối hợp với Công ty Phước Thành để triển khai dự án, chủ đầu tư trả bằng căn hộ cho nhà thầu. Dự án Chung cư Metro Tower ở Làng Đại học Quốc gia do Công ty CP Đầu tư xây dựng số 8 (CIC 8) liên kết với Công ty Bình Minh đầu tư. Trong đó, Công ty Bình Minh góp đất, CIC 8 bỏ tiền triển khai dự án. Khi dự án hoàn thành, hai bên sẽ chia sản phẩm là căn hộ, thay vì chia lợi nhuận bằng tiền mặt.
Theo giám đốc một sàn giao dịch bất động sản, việc liên kết này hai bên đều cùng có lợi, khi chủ đầu tư không phải lo tiền mặt để trả nhà thầu thi công dự án, trong khi đó nhà thầu lấy lại sản phẩm theo dạng mua sỉ nên giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chủ đầu tư chào bán ngoài thị trường.
Theo Sài Gòn Giải Phóng