Chuyển nhượng dự án chủ yếu giao dịch "ngầm"
Thị trường BĐS sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn với các chính sách tín dụng, huy động vốn ngày càng siết chặt, đã khiến nhiều chủ đầu tư dự án “thấm mệt”, tìm cách chuyển nhượng, rút lui khỏi dự án.
Đơn cử như việc Tập đoàn Vincom mới đây vừa công bố chính thức việc thoái lui và chuyển nhượng dự án Tổ hợp văn phòng, TTTM, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho Công ty CP Thành phố Mặt trời (Sun Group).
Hay mới đây, Tập đoàn FPT đã quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án Tòa nhà FPT 89 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù nội dung thương vụ chuyển nhượng dự án không được tiết lộ nhưng tại đại hội cổ đông, lãnh đạo FPT cho biết, lý do FPT không triển khai dự án này là do hiệu quả dự án mang lại đối với công ty rất thấp.
“Nếu tiếp tục đầu tư thì số vốn cần bỏ ra là hơn 600 tỷ đồng trong khi đó, tỷ lệ sử dụng lại thấp. FPT sẽ dành vốn để tập trung vào các dự án Công nghệ thông tin” vị lãnh đạo này chỉ rõ....
Đây chỉ là một trong số ít dự án được công khai chính thức, còn lại làn sóng mua bán, sáp nhập dự án tại Hà Nội hiện tại đang diễn ra rất sôi động dưới mọi hình thức.
Theo ông Chi Edward, Tổng Giám đốc công ty Coldwell Banker Việt Nam, đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư cho rằng, những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai thực chất chỉ mới phản ánh phần nổi, trên thực tế, phần thoả thuận chuyển nhượng ngầm mới thật sự sôi động….
Ngoài ra, ông Chi Edward cho biết thêm, thông thường, các đối tác thường lựa chọn mua dự án của doanh nghiệp không có năng lực tài chính thậm chí mua cả những dự án đã triển khai được 50% vì họ cho rằng giá đất tại Việt Nam còn rất rẻ.
Nhận định về xu hướng chuyển nhượng dự án đang diễn ra tại miền Bắc, đại diện công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng, xu hướng sáp nhập dự án tại Châu Á có xu hướng tăng đương nhiên tại Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay chỉ có chủ đầu tư nào mạnh về vốn mới có thể tiếp tục phát triển. Còn những nhà đầu tư không trường vốn chỉ tham gia cuộc chơi bán chuyên nghiệp mà lại phải chịu áp lực triển khai dự án thì xu hướng sáp nhập và bán dự án là rất rõ. Tại TP HCM xu hướng chuyển nhượng dự án khá rõ và công khai nhưng tại thị trường Hà Nội đa phần các doanh nghiệp tự thỏa thuận “ngầm” biểu hiện không rõ nét như TPHCM.
Ông Vũ Văn Vương - chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Vương cho rằng, theo quy định luật pháp bất kỳ dự án nào phải hoàn thiện xong hạ tầng mới triển khai việc chuyển nhượng. Đối với những dự án đang dở dang, chưa xong thủ tục nếu muốn chuyển nhượng thì phải trả về cho tỉnh đấu thầu lại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ đầu tư vẫn “lách” luật trong việc sang nhượng lại dự án dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần chi phối.
Nếu chuyển nhượng dưới hình thức bán cổ phần thì người mua cổ phần của công ty đó hết sức rủi ro bởi họ không nắm được hết mọi việc công ty đó cũng như mối quan hệ với các đối tác khác. Đặc biệt, họ không thể nắm hết được hợp đồng kinh doanh của công ty đó với đối tác bên ngoài đã được thanh quyết toán hết chưa hay vẫn nợ…Tại Hà Nội xu hướng chuyển nhượng dự án không nhiều bởi chủ đầu tư xin dự án ở Hà Nội là rất khó khăn và phải có năng lực tài chính mới có thể làm dự án.
Theo Vnmedia