Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Chưa chốt danh sách các trường ĐH di dời
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết danh sách 12 trường đại học phải di dời mới chỉ là đề xuất của TP chứ chưa phải danh sách chính thức.
Thưa Thứ trưởng, hiện dư luận đang rất quan tâm đến việc nhiều trường đại học sẽ phải di dời ra ngoại thành, tuy nhiên các trường lại chưa có thông tin chính thức từ Bộ. Ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Đây là chủ trương của Chính phủ, được đưa ra trong một cuộc họp với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng... vào cuối năm 2010.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao việc xây dựng các tiêu chí mang tính chuyên ngành như số lượng sinh viên, diện tích trường, lịch sử phát triển… Các tiêu chí này Bộ vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 3 tới.
Tiêu chí chưa xây dựng xong nhưng đã có danh sách 12 trường phải di dời sớm, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Danh sách này không phải Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra mà do thành phố Hà Nội đề xuất. Tuy nhiên, sau khi các đơn vị đưa ra tiêu chí riêng, chắc chắn sẽ phải có một cuộc họp để tập hợp, thống nhất lại, sau đó mới tính đến chuyện trường nào di dời, trường nào ở lại, trường nào đi trước, trường nào đi sau.
Với một số trường cũng phải tính đến yếu tố lịch sử, có những trường đã phát triển cả trăm năm như Đại học Dược, Khoa Hóa học của Đại học Quốc gia Hà Nội trên phố Lê Thánh Tông, hoặc các trường mà hoạt động của trường gắn liền với các yếu tố khác như trường y thì cần phải có bệnh viện để sinh viên thực tập…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn của báo giới.
Việc di dời là hợp lý, tuy nhiên, để di dời được lại không đơn giản. Đại học Quốc gia Hà Nội với dự án chuyển ra ngoại thành đã 10 năm nay vẫn dẫm chân tại chỗ. Theo ông, đâu là cách để khắc phục?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Không chỉ ở Hà Nội, ngay cả Đại học Đà Nẵng được cấp 300ha nhưng mãi vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Giải phóng mặt bằng là vấn đề mấu chốt. Có mặt bằng, đất sạch rồi, lại phải tiến hành xây dựng luôn mới tránh được tình trạng xâm lấn. Nhưng để làm ngay đòi hỏi phải có vốn, nghĩa là phải có sự hỗ trợ. Nếu chỉ giao đất và để các trường tự giải phóng mặt bằng thì việc xây dựng là bất khả thi.
Vị trí các trường hiện nay đều khá đẹp, ở mặt tiền với diện tích rộng. Vì thế, hầu hết các trường muốn sau khi di dời vẫn giữ chỗ cũ làm một cơ sở của mình. Liệu điều này có thể thực hiện được không, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Điều này ngoài thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tùy thuộc thành phố Hà Nội quyết định.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.