Nới tín dụng bất động sản
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS)”, thay vì “giảm dư nợ tín dụng BĐS” trong nhiều văn bản của Chính phủ và đồng ý đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, tuy vẫn thuộc lĩnh vực được kiểm soát tín dụng.
Hoạt động kinh doanh của các DN BĐS dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính, trong đó chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Song với lãi suất cao như hiện nay, dòng vốn tín dụng không như kỳ vọng đã làm đa số DN rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.
Tín dụng bị siết khiến tiến độ triển khai các dự án chậm lại. Các nhà đầu tư trong nước thiếu vốn đầu tư đã phải chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án khu vực TPHCM.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Nam, để trong thời gian tới thị trường BĐS hoạt động minh bạch, hiệu quả, Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS.
“Cần có tiêu chí cho vay để hướng các tổ chức tín dụng ưu tiên các dự án có tính thanh khoản cao, đảm bảo thu hồi nợ, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ, rủi ro cao” - ông Nam kiến nghị.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia cũng nhận định, Chính phủ đã phát tín hiệu nới lỏng tín dụng BĐS vì nhận thấy việc cấm cho vay thời gian qua đã tác động xấu đến thị trường tài sản lớn này, từ đó tác động xấu đến tài chính và kinh tế. Song cách giải quyết cụ thể ra sao còn phải chờ thông báo thêm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên nhân giá đất tăng không phải ở đầu cơ mà do sự thiếu minh bạch của cơ chế.
Do đó, giải pháp tập trung vào chống đầu cơ như hiện nay là chưa trúng mà phải công khai hóa chính sách đang nằm trong tay chính quyền địa phương, ví dụ như công bố quy hoạch...
Theo Vnmedia