Kẹt vốn cho đường bộ cao tốc
Tới nay VN mới có hai tuyến ĐCT Láng-Hòa Lạc và TP.HCM-Trung Lương với tổng chiều dài 69,3 km được đưa vào sử dụng. Hiện có 10 dự án đã có nguồn vốn, đang thi công hoặc chuẩn bị khởi công. Các dự án ưu tiên còn lại Thủ tướng Chính phủ đã giao nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT nhưng hiệu quả tài chính thấp, khó có khả năng hoàn vốn nếu không có sự đóng góp vốn lớn từ Chính phủ.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), nhìn chung tiến độ các dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu (dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình chậm tiến độ hơn 18 tháng, Hà Nội-Hải Phòng chậm hơn 20 tháng). Nguyên nhân chủ yếu là tuy các dự án đều có hiệu quả kinh tế-xã hội lớn nhưng hiệu quả tài chính lại không cao; năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư hạn chế; khả năng tham gia của Nhà nước vào các dự án chưa có cơ chế rõ ràng…
“Chính phủ đã có chính sách thu hút nhưng các cam kết đảm bảo bù đắp rủi ro cho nhà đầu tư chưa đủ và chưa rõ ràng. Việc phát hành trái phiếu để thu hút vốn cũng gặp khó khăn, thách thức do thị trường trong nước chưa phát triển, còn thị trường quốc tế thì đang gặp khủng hoảng kinh tế” - ông Tuấn nói.
Hội thảo Việt-Nhật lần thứ năm về kế hoạch phát triển ĐBCT VN. Ảnh: Hải Châu |
Theo ông Tuấn, một trong những hướng mở là thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư) nhằm huy động vốn khu vực tư nhân cho dự án theo nguyên tắc không làm tăng nợ công. Hiện các dự án ĐBCT Ninh Bình-Thanh Hóa, Dầu Giây-Phan Thiết đã cơ bản kết thúc, lập dự án khả thi và đang dự kiến đầu tư theo PPP. Tuy nhiên, đến nay vẫn thiếu khung pháp lý, chính sách cho mô hình này.
Bộ GTVT đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách rõ ràng và mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư cho ĐBCT. Có cơ chế đặc thù cho các tuyến ưu tiên có lưu lượng giao thông lớn nhưng không đủ thực hiện theo hình thức BOT. Có cơ chế về phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án để đảm bảo khả thi về tài chính. Cho phép giá thu phí cao hơn hai lần mức quy định trong Thông tư 90 của Bộ Tài chính và được tăng theo chỉ số giá tiêu dùng CPI. Gấp rút nghiên cứu hoàn thành mô hình tổ chức quản lý và đầu tư phát triển hệ thống ĐBCT phù hợp với điều kiện VN…
Ông Junro Matsumoto (bộ phận dự án ngoài nước thuộc MLIT) kiến nghị Chính phủ VN cần quy hoạch đất để thực hiện các dự án ĐBCT và có hệ thống đền bù phù hợp nếu xảy ra trì hoãn.
Tập trung huy động vốn cho bảy dự án trọng điểm
Theo Quyết định số 1734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, VN sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc dài 5.873 km với tổng vốn đầu tư khoảng 40,5 tỉ USD. Trong đó, đến năm 2020 sẽ xây dựng 22 tuyến có tổng chiều dài 1.870 km (19 tỉ USD). Sau năm 2020, tiếp tục đầu tư xây dựng 17 tuyến có tổng chiều dài 4.000 km (21,5 tỉ USD).
Các dự án được ưu tiên trong giai đoạn 2011-2020 là các trục đường quan trọng có vai trò liên kết vùng; các tuyến hướng tâm vào TP.HCM và Hà Nội, nối các cửa khẩu, các cảng biển quan trọng và các tuyến có lưu lượng xe lớn. Hiện kế hoạch huy động vốn đang tập trung vào bảy dự án trọng điểm là: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Ninh Bình-Thanh Hóa-Hà Tĩnh, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Trung Lương-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu kết hợp mở rộng quốc lộ 51, Bến Lức-Long Thành và Dầu Giây-Phan Thiết.
(Nguồn: Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT)
Theo Pháp Luật TP