Cho vay bất động sản: "Gậy ông đập lưng ông"
Có thể nói, việc ngân hàng nhà nước thúc ép các ngân hàng thương mại tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng đã gây sức ép lớn đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt ngân hàng nhỏ.
Để đáp ứng được yêu cầu này, nhiều ngân hàng nhỏ đã phải gồng mình kêu gọi vốn góp của các cổ đông trong đó nhiều cổ đông của các ngân hàng sở hữu các dự án bất động sản.
Theo nguồn tin báo chí, mới đây một cổ đông lớn của ngân hàng A đã bỏ hơn 500 tỷ đồng mua cổ phần. Tuy nhiên, ngay sau khi góp vốn 5%, cổ đông này đã mang cổ phiếu của ngân hàng đó đi thế chấp tại các ngân hàng khác để rút tiền ra hơn 100 tỷ đồng để đầu tư bất động sản, mặc dù, trong hợp đồng mua bán cổ phần đã ghi rõ, thời hạn chuyển nhượng cổ phiếu sau 2 năm.
Theo các chuyên gia tài chính, vì là cổ đông lớn nên họ có thể dễ dàng rút tiền ngân hàng để vay đầu tư chính các dự án bất động sản của mình. Vì vậy, tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản của nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang ở mức báo động 30-40% thậm chí 50%.
Cũng theo các chuyên gia tài chính, mặc dù các ngân hàng đã đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro với quy định hệ số rủi ro lên mức 250%, thậm chí còn định giá bất động sản thấp với tỷ lệ 50-70% giá trị bất động sản nhưng những điều này chỉ có tác dụng phòng ngừa trong điều kiện nhất định.
Theo thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hiện bất động sản đang chiếm 50% tổng tài sản của các ngân hàng, trong đó có cả tài sản thế chấp là bất động sản. Do vậy, khi thị trường bất động sản xuống giá sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hiện tại rất nhiều ông chủ nhà băng lại là chủ dự án bất động sản. Họ là chủ ngân hàng, rồi cho vay chính các dự án BĐS của họ, đây là rủi ro rất lớn. Thủ tướng cũng đã từng cảnh báo cần phải thận trọng với những loại hình ngân hàng kiểu này.
Phát biểu tại cuộc hội thảo về tác động thị trường bất động sản với thị trường tài chính vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Peter Charleton, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Trung ương và cơ quản quản lý dịch vụ tài chính Ireland cho biết, do không quản lý chặt chẽ, cho vay tràn lan, nên thị trường bất động sản Ireland đã rơi vào tình trạng bong bóng bất động sản. Hàng loạt dự án đã được lấp để trồng lại lương thực, nhưng hậu quả để lại cho ngân hàng là hệ thống này đã tổn thất lên tới 50% GDP.
"Đau đớn về thanh khoản, chúng ta phải đối mặt chấp nhận hơn là việc phá giá đồng tiền, hậu quả sẽ rất lớn. Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn tài chính, vì vậy cần phải tập trung đầu tư vào lĩnh vực hiệu quả, không nên phí phạm vào những dự án tràn lan”. ông Peter Charleton nói.
Theo Vnmedia