Lãi suất: Đâu là thực, đâu là hư ?
Hết 6 tháng đầu năm, đến lúc các ngân hàng thương mại buộc phải nhìn lại và đưa ra kế sách để đạt được những mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Đáp lại, Ngân hàng Nhà nước cũng buộc lòng phải cân nhắc thiệt - hơn để có những điều chỉnh chính sách thích hợp.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM trong 6 tháng đầu năm nay thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng 25% tốc độ tăng trưởng tín dụng |
Lãi suất: Đâu là thực, đâu là hư
Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một khái niệm khá “lạ” trong báo cáo về hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM), đó là “lãi suất huy động bình quân thực tế” 15,75%/năm. Phải chăng NHNN đã phải chấp nhận trần 14%/năm không còn “thực tế”?
Một tháng trước, dù ở giai đoạn căng thẳng nhất về thanh khoản, nhưng không một NHTM nào dám công khai trưng biển lãi suất huy động VND vượt quá 14%/năm và lãi suất USD vượt 2%/năm. Thế nhưng, không khó khăn gì để biết mức lãi suất huy động VND của các NHTM đã bỏ xa trần này từ lâu; và gần đây lãi suất USD cũng có dấu hiệu “vượt rào“. Từ đầu tháng 7, lãi suất huy động của các NHTM có dấu hiệu giảm nhiệt, thấp hơn 1-2% so với trước, nhưng vẫn ở mức 17-18%/năm. Gần đây một số NHTM còn trưng biển hạ lãi suất huy động xuống dưới 14%/năm như ở biểu lãi suất của Techcombank, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này là 13,9%/năm; có kỳ hạn chỉ 11,95%/năm. ABBANK, VPbank, KienLong Bank, Habubank... đều hạ lãi suất các kỳ hạn dài xuống 12%/năm. Thậm chí, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng Phát triển Mê Kông chỉ còn 11%/năm...
Công bố là vậy, song trên thực tế việc ngân hàng phải “đi đêm” với khách hàng vẫn diễn ra phổ biến và biến tướng hơn trước nhằm tránh sự thanh tra, kiểm tra của NHNN. Việc giảm lãi suất huy động trên biểu lãi suất của NHTM chẳng qua chỉ là chiêu dành cho những người “cả tin” và để NHNN... có việc mà làm báo cáo. Vì trong bối cảnh hiện nay, có đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó mà tìm được người gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dài đến 12 tháng. Kỳ hạn “ưa thích“ của người gửi tiền vẫn là dưới 3 tháng.
NHNN đã có quy định nếu khách hàng rút trước hạn sẽ bị tính lãi suất không kỳ hạn, nhằm hạn chế hiện tượng tiền chạy từ ngân hàng này qua ngân hàng khác. Thế nhưng, đây lại là một qui định “lợi bất cập hại” vì như vậy người gửi tiền càng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn siêu ngắn! Mặt khác, bản thân các NHTM do cần huy động vốn đã chiều khách bằng cách nâng lãi suất không kỳ hạn lên cao. NHTMCP Hàng hải (Maritime Bank) có sản phẩm đặc biệt cho những khách hàng nhiều tiền mà lại thích gửi ngắn: Tài khoản M1. Tuy là tài khoản thẻ ATM, nhưng khách hàng lại được hưởng lãi suất theo bậc thang, theo số dư trên tài khoản. Lãi suất thấp nhất là 9%/năm; cao nhất lên đến 12,9%/năm.
Bên cạnh sự “linh hoạt” trong huy động vốn của các NHTM thì bất ngờ ngày 4/7/2011 NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất mua giấy tờ có giá qua thị trường mở (OMO) từ 15%/năm xuống 14%/năm. Cộng thêm việc từ tháng 5 lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 6 tháng có xu hướng giảm (0,02% đến 0,91%/năm) khiến nhiều người cho rằng NHNN có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm cứu thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Sự phấn khích của nhà đầu tư khiến chỉ số chứng khoán bất ngờ tăng mạnh, nhưng chỉ trong có 1 ngày! Vì ngay sau đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, đây không phải là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, mà chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN! Nói về điều này, nhiều người thốt lên: Đúng là thực thực, hư hư. Không biết đâu mà lần!
Cân nhắc thiệt - hơn
Đã qua 6 tháng đầu năm. Đây là thời điểm để các NHTM “nhìn lại” tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của năm. Có lẽ họ sẽ không hào hứng lắm trong việc công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng qua. Nhưng dù ở vào hoàn cảnh nào thì cả NHTM và NHNN cũng phải có những điều chỉnh nhất định khi hệ thống đang tồn tại không ít vấn đề.
46% 1năm là mức chênh lệch “như mơ” giữa lãi suất huy động và cho vay bằng USD trong bối cảnh hiện nay
Thứ nhất, câu hỏi bao giờ lãi suất giảm rất khó để có câu trả lời vào thời điểm hiện nay. Trong kỳ họp mới đây của Chính phủ, việc cố gắng giữ lạm phát năm nay ở mức 15 - 17% đã được nhắc tới. Vậy sẽ rất khó để người dân chịu gửi tiền với lãi suất 14%/năm vì mức lãi suất này vẫn được duy trì thì có nghĩa là người gửi tiền phải chịu lãi suất âm. Lãi suất huy động không giảm, làm sao để giảm lãi suất cho vay? Thêm vào đó, tín dụng tuy tăng chậm, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn còn chậm hơn nhiều, chỉ bằng 1/4 tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ gây sức ép lên cung - cầu vốn trong những tháng tới.
Thứ hai, lãi suất huy động VND ở mức cao là một lực đẩy khiến người dân chuyển dịch sang nắm giữ VND. Nhưng các NHTM sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho vay bằng USD. Con số nhập siêu ngày càng tăng phần nào thể hiện sự lớn mạnh của tín dụng bằng ngoại tệ. Dự báo nhập siêu năm nay có thể lên đến 14-14,5 tỷ USD, chắc chắn có sự “tiếp tay” của ngân hàng. Thống kê 5 tháng cho thấy, so với 31/12/2010, tăng trưởng tín dụng bằng VND chỉ là 2,68%; trong khi bằng ngoại tệ lên đến 22,78%. Có thể nói sự mất cân đối này sẽ rất khó để khắc phục. Vì hiện lãi suất huy động ngoại tệ từ dân cư là 2%, từ tổ chức là 0,5%. Mức lãi suất huy động bình quân bằng ngoại tệ vào khoảng 1,81%; trong khi lãi suất cho vay bằng USD bình quân là 6,4%/năm. Như vậy chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bằng USD lên đến 4,6 %/năm. Đây thực sự là mức chênh lệch “như mơ” trong bối cảnh hiện nay.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, dù ở thời kỳ “đỉnh cao”, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động bằng VND cũng chỉ đến 4% là cùng. Còn giờ... hòa là may. Mức chênh lệch đầu vào - đầu ra lớn như vậy, có thể phần nào khiến các NHTM yên tâm hơn về rủi ro tỷ giá. Song chính sự “ham mê” cho vay bằng ngoại tệ sẽ đẩy các NHTM vào rủi ro thanh khoản nhanh hơn. Vì đồng USD đang “mất giá” nên vốn huy động bằng USD sẽ giảm rất nhanh.
Thứ ba, sau một thời gian chấp hành nghiêm việc kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, một số NHTM lớn sẽ nhận thấy họ còn nhiều dư địa để tăng tín dụng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ khiến vốn tín dụng sẽ được đưa ra nhiều hơn khi các ngân hàng lớn điều chỉnh kế hoạch 6 tháng cuối năm. Vì trong 6 tháng đầu năm các NHTM vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đều là những NHTM nhỏ. Mà các NHTM lớn thì dù chỉ tăng trưởng 1% tín dụng cũng đã bằng dư nợ tín dụng của cả một ngân hàng nhỏ! Do đó, NHNN sẽ phải xem lại chủ trương không phân biệt ngân hàng lớn, ngân hàng - nhỏ trong các quy định của mình.
Theo DĐDN