Hơn 38.000 tỷ đồng cho vay bất động sản tại Hà Nội
Dư nợ cho vay bất động sản tại Hà Nội chiếm 6,9% tổng dư nợ. |
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng Nhân dân thành phố sáng 13/7 cho thấy, với tổng dư nợ nêu trên đã tăng 0,94% so với tháng 5/2011 và 8,89% so với tháng 12/2010 (cả nước tăng 6,2%) và 27,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó, dư nợ tín dụng VND tăng 5,2% và dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 17,25%. Dư nợ ngắn hạn tăng 6,47%, trung và dài hạn tăng 17,25% so với tháng 12/2010. Sử dụng vốn huy động để cho vay trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt 68,1%, trong đó cho vay VND và ngoại tệ lần lượt ở mức 66,4% và 71,8%.
Cũng theo báo cáo của UBND thành phố, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm, tập trung vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trên địa bàn là 99.950 tỷ đồng, chiếm 18,68% tổng dư nợ tín dụng (chỉ tiêu đến hết tháng 6 là dưới 22%). Trong đó, cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 4.990 tỷ đồng, chiếm 0,90% tổng dư nợ.
Cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản là 38.320 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ. Cho vay tiêu dùng đạt 56.640 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng dư nợ.
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 28.847 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại xã thí điểm nông nghiệp nông thôn mới đạt 15 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay xây dựng nhà ở và cho hộ nghèo vay.
Đối với các đối tượng chính sách xã hội, dư nợ cho vay đạt 3.381 tỷ đồng, chiếm 0,62% tổng dư nợ.
Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 2,01%.
Đánh giá của UBND thành phố cho rằng, nói chung, tình hình tài chính, ngân hàng mặc dù có nhiều biến động, căng thẳng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Về điều hành lãi suất huy động và cho vay, báo cáo của UBND thành phố khẳng định, hiện tại các ngân hàng trên địa bàn niêm yết lãi suất huy động VND bao gồm cả chi phí khuyến mãi dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm; mặt bằng lãi suất giữa khối ngân hàng thương mại nhà nước và khối ngân hàng thương mại cổ phần không có sự chênh lệch lớn.
Theo VnEconomy