Căn hộ tăng giá vì "đội" tiền vật tư
Ngay khi giá vật liệu xây dựng té nước theo giá điện, xăng, dầu, chủ đầu tư một số dự án nhà chung cư ở TP HCM, Bình Dương, đã nhanh chân điều chỉnh giá căn hộ nhích lên 12-15%.
Dự án căn hộ Milano trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM, được chủ đầu tư tăng giá bán từ 27 triệu đồng mỗi m2 lên 30,3 triệu đồng. Trong khi đó, dự án căn hộ dành cho chuyên gia Aroma tại tỉnh Bình Dương (chủ yếu hút khách Sài Gòn) cũng tăng giá 15%. Trước Tết, giá căn hộ này được chủ đầu tư bán 21 triệu đồng mỗi m2, nhưng nay đã là 25 triệu đồng.
Một số chủ đầu tư dự án căn hộ tại TP HCM chuẩn bị bán hàng giai đoạn 2 cũng tiết lộ sẽ cân nhắc và tăng giá khoảng 10-15% trong quý II. Nguyên nhân, theo giải thích của các đơn vị phân phối, là do giá vật liệu xây dựng tăng từ 10 đến 15%, giá nhân công tăng 10%.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa phân tích: "Sau xăng, dầu, điện, vật liệu xây dựng đã thiết lập mặt bằng giá mới, tăng trung bình 15-20%. Vì vậy, chủ đầu tư dự án căn hộ sớm muộn gì cũng phải xây dựng lại khung giá bán mới có cơ sở để tồn tại". Ông dự báo, trong thời gian tới, giá nhà chung cư có thể sẽ tăng khoảng 20% để bù cho khoản chi phí vật liệu xây dựng đội lên.
Thị trường căn hộ TP HCM nhấp nhổm tăng giá vì giá vật liệu xây dựng leo thang. Ảnh: Vũ Lê. |
Trái với quan điểm tăng giá nhà để chống thua lỗ, vẫn có nhiều chủ đầu tư chọn cách cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách tiết kiệm tối đa mọi chi phí từ các nhà thầu phụ.
Đang thực hiện dự án chung cư Đất Lành - Sông Đà, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực phân tích, hiện nguồn cung căn hộ dồi dào trên thị trường, các chủ đầu tư không chỉ ganh đua nhau về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm mà còn cạnh tranh từng ly từng tý về giá bán và vị trí dự án. "Thị trường căn hộ đang gặp nhiều khó khăn, mua bán đều chậm, lãi suất vay cũng quá cao 22-24%. Nếu tăng giá trong thời điểm nhạy cảm này tăng giá nhà là hạ uy tín doanh nghiệp, mất khách hàng, giảm tính cạnh tranh", ông Đực nói.
Giải pháp đương đầu với cơn lốc giá vật liệu xây dựng tăng cao, theo lãnh đạo Công ty địa ốc Đất Lành, là chủ đầu tư phải tiết kiệm tối đa. Thay vì giao khoán công trình cho nhà thầu chính thì doanh nghiệp đứng ra làm tổng thầu. Từ đó, chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc những gói thầu nào cần thuê nhà thầu phụ, gói thầu nào tự lực cánh sinh (tự làm). Vật tư cũng được giám sát dùng liều lượng đúng, đủ, không thừa, không lố.
Một dự án chung cư tại TP HCM đang thi công. Ảnh: Vũ Lê. |
"Cần tỉnh táo nhận thức việc tiết kiệm một cách bài bản, khoa học hoàn toàn khác với keo kiệt, rút ruột công trình, ăn gian làm dối. Nếu quản lý tốt chủ đầu tư có thể tiết kiệm 5-15% tổng chi phí cho toàn dự án", ông Đực nêu quan điểm.
Là một trong những chủ đầu tư cung cấp cho thị trường bất động sản TP HCM dòng sản phẩm căn hộ giá vừa túi tiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa khẳng định: "Dù đang thực hiện 2 dự án căn hộ giữa lúc giá vật tư nhảy múa, chúng tôi vẫn không tăng giá một đồng nào. Chủ đầu tư cần biết cảm thông và cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng".
Theo ông Nghĩa, để có thể thực hiện việc không tăng giá bán căn hộ, Lê Thành tích hợp chức năng vừa là chủ đầu tư dự án vừa là nhà thầu duy nhất cho cả công trình, làm hai công việc nhưng ăn lợi nhuận một đầu.
Từng có kinh nghiệm trong ngành xây dựng, ông Nghĩa tiết lộ bí quyết chống cơn bão giá vật tư. Theo đó, ông lập quỹ dự trữ, chia vật liệu xây dựng ra thành hai loại. Loại thứ nhất có thể dự phòng được như: thép, thiết bị vệ sinh, cửa, gạch... có thể ký hợp đồng trả trước số lượng lớn với nhà cung cấp. Loại không dự phòng được là xi măng, phải chấp nhận mua ngắn hạn dùng đến đâu đặt hàng đến đấy.
Theo quy luật, vật liệu xây dựng tăng có chu kỳ, theo từng đợt. Khi giá vật tư "nóng sốt" chủ đầu tư dùng hàng dự trữ, chờ thời điểm khó khăn nhất qua đi lại tiếp tục quy trình tăng nguồn vật tư dự trữ. "Nếu làm tốt việc quản lý vật tư, doanh nghiệp ít bị tác động tiêu cực của cơn bão giá vật liệu xây dựng", ông Nghĩa nói.
Theo VnExpress