BĐS sôi động bất chấp siết chặt tín dụng
“Dòng tiền từ ngân hàng rõ ràng là giảm nhưng dòng tiền ở trong dân vẫn còn. Luồng này có bằng luồng giảm đi của ngân hàng hay không thì chưa xác định được nhưng thực tế là thị trường bất động sản (BĐS) đang sôi động, giá tăng lên”.
Trước tình hình thị trường tiền tệ đang có nhiều biến động, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng… đều tăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những tác động liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS).
* Xin ông cho biết tăng giá xăng dầu, điện… tác động như thế nào đến thị trường BĐS?
Việc tăng giá nhiều mặt hàng đương nhiên sẽ “chui” vào giá thành các công trình xây dựng. Vật liệu xây dựng chịu tác động rất lớn từ giá vận tải.
Giá BĐS sẽ lên, nhưng lên một cách bình ổn theo quy luật, điều này không tránh khỏi. Nhưng quan trọng là vẫn có thị trường cho người ta mua bán.
* Nhưng việc tăng giá vật liệu xây dựng có làm chậm tiến độ các dự án do không thu xếp được vốn không, thưa ông?
Cơ bản là nguồn hàng vẫn lớn. Vật liệu xây dựng dùng hàng trong nước là chính, nhập khẩu không nhiều. Thứ hai, khi đã tăng giá rồi, khách hàng phải chấp nhận giá mới để mua, quan trọng là trong hợp đồng cam kết với khách hàng như thế nào.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Và trong rất nhiều các hợp đồng kinh doanh, giá của nó là tiền Việt, nhưng đảm bảo bằng… đô la Mỹ. Hơn nữa, kiểu gì thì giá cũng tăng, các nhà thương mại vẫn phải làm, vì càng kéo dài càng chết. Doanh nghiệp phải thích nghi thôi. Do vậy, tôi không nghĩ việc này ảnh hưởng nhiều về mặt tiến độ.
* Theo quy luật như ông nói thì kiểu gì cũng phải tăng giá. Song hiện nay, đang có một nghịch lý trong lĩnh vực BĐS là trong khi doanh nghiệp phía Bắc đang tăng giá thì doanh nghiệp phía Nam cho rằng họ khó tăng được giá sản phẩm. Ông nghĩ sao?
Giá thành sản phẩm nhà ở không quyết định đến giá bán mà là do cung cầu thị trường. Hiện nay cầu trong khu vực phía Nam thấp hơn đồng thời người dân ở đây chủ yếu đi vay tiền để mua nhà, còn người miền Bắc thì họ lấy tiền túi, nên khác.
* Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS trong thời gian vừa qua, khi mà tỷ giá ngoại tệ và vàng cũng tăng?
Hiện nay, tiền trong dân còn rất nhiều và đầu tư BĐS được coi là kênh an toàn nhất trong khi các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, vàng và đặc biệt là chứng khoán thì đầy rủi ro.
Còn BĐS là tài sản hữu hình và về cơ bản nó lại không “đẻ” thêm ra. Trên thực tế, mấy tuần qua giá cả BĐS và tỷ lệ giao dịch thành công tăng vọt, mua bán sôi động hẳn lên.
* Nhưng liệu sự tăng đó có phải là cục bộ và ngắn hạn không vì theo kinh tế vĩ mô, khi thắt chặt tín dụng, thị trường trung và dài hạn phải đi xuống?
Trước hết, bản thân việc thắt chặt của mình là ngắn hạn. Thứ hai, giảm đồng tiền ra bằng tăng lãi suất để người ta không muốn vay nữa. Đó là con dao hai lưỡi. Tiền không ra, không đầu tư thì kinh tế phát triển sao được nên Thủ tướng vẫn chỉ đạo ngân hàng phải dần dần giảm lãi suất tín dụng trong tầm kiểm soát được.
Nhưng đây là mình chỉ nói mang tính chất định tính. Dòng tiền từ ngân hàng rõ ràng là giảm nhưng còn trong dân. Luồng này có bằng luồng giảm đi của ngân hàng hay không thì chưa xác định được. Nhưng thực tế là thị trường sôi động lên, giá tăng lên.
* Với tín hiệu này, ông dự báo tình hình thị trường sắp tới ra sao?
Tôi không cho rằng thị trường BĐS sẽ sôi động một cách ồn ào nhưng nó ít bị tác động bởi các chính sách vừa rồi vì bất động sản có độ trễ rất lớn. Khi anh siết thì nó giảm nhưng cũng giảm chậm hơn các ngành khác. Khi anh mở, thì nó cũng đi lên chậm hơn.
Đất đai giải phóng rồi, nhà đang xây rồi thì dòng tiền huy động chủ yếu lại là người dân chứ không phải tín dụng nữa. Tín dụng chỉ tác động trong giải phóng mặt bằng, xây móng, sau đó là huy động vốn từ người mua nên thị trường vẫn hoạt động bình thường.
*Năm 2011 sẽ cung cấp cho thị trường nguồn cung lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp với giá ưu đãi đặc biệt. Việc này liệu có tác động đến giá cả BĐS trên thị trường không, thưa ông?
Theo tôi, nó sẽ giúp cho thị trường giữ ổn định. Nó không kéo được giá các nhà thương mại giảm xuống, nhưng ít nhất là có tác động, làm cho phân khúc khác không bật lên được. Về mặt đại cục, có nhà thu nhập thấp tham gia vào thị trường làm bình ổn hơn thị trường nhà giá cao.
Theo Dân Trí