Bất động sản còn u ám đến cuối năm
TS Đỗ Thị Loan – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội BĐS TP.HCM
Tình hình bất động sản Việt Nam không khả quan lắm trong cuối năm. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết siết chặt tín dụng nên tỷ lệ tín dụng cho khu vực phi sản xuất tiếp tục giảm từ 22% vào cuối tháng 6 và giảm còn 16% vào cuối tháng 12. Chính vì lý do đó mà nguồn tiền trên thị trường sẽ không trụ được nên dự báo thị trường từ nay đến cuối năm khả năng khởi sắc là điều rất khó.
Hiện nay thị trường bất động sản đang trong giai đoạn hết sức trầm lắng, nói đóng băng là không đúng, bởi đóng băng thì không có nơi nào giao dịch nhưng thực tế ở đâu đó vẫn có giao dịch, vấn đề là nhiều hay ít và tùy theo địa phương. Còn đóng băng hoàn toàn thì không, nếu chủ dự án có đưa ra thị trường những dự án tốt, có vị trí đắc địa, đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân mà giá cạnh tranh thì chắc chắn những người có khả năng về tài chính sẽ mua để ở, còn những người mua để đầu tư, nhất là những người dùng vốn vay ngân hàng thời gian qua và thời gian tới sẽ chững lại.
Nguồn vay tín dụng từ ngân hàng đã bị siết chặt, tỷ lệ đầu tư lướt sóng, mua để chờ thời cơ bán lại sẽ giảm đi, còn những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, nếu hội tụ các điều kiện nêu trên, đặc biệt chủ đầu tư có khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ thì người dân sẽ mua.
Thị trường BĐS Việt Nam đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ khả quan hơn khi nào chính sách tín dụng được nới lỏng, kể cả chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng may ra thị trường mới có cơ hội khởi sắc.
Ông Nguyễn Mạnh Hà –Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)
Từ đầu năm đến nay thị trường căn hộ chung cư gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước. Thị trường Tp.HCM giá căn hộ giảm, giao dịch trầm lắng, hiện nay khoảng 9 triệu đồng/m2, cộng với tiền sử dụng đất, tiền chuẩn bị đầu tư, thủ tục pháp lý, GPMB,…hiện tại nhiều chủ đầu tư tại Tp.HCM đang bán căn hộ với giá trung bình khoảng 13-15 triệu đồng/m2 thì gần như không còn dư địa giảm giá nữa. Còn đối với thị trường chung cư Hà Nội, giai đoạn 2009-2010 giá chung cư đã tăng khoảng 40%, nhưng hiện nay cũng đang ở tình trạng giao dịch trầm lắng nhưng giá vẫn ở mức cao, chỉ giảm nhẹ trong những tháng gần đây, vì thế thị trường chung cư Hà Nội vẫn còn nhiều cơ hội giảm giá bán.
Nhiều chủ đầu tư cấp 1 đã bán sản phẩm rồi, do đó những chủ đầu tư cấp 1 sẽ ít gặp rủi ro hơn. Đối với những chủ đầu tư cấp 2 năng lực tài chính yếu, vay tiền từ ngân hàng nhiều hoặc những người dân có khả năng tài chính mạnh tham gia đầu tư kinh doanh BĐS thời gian qua gặp nhiều rủi ro hơn. Do vậy, nếu nói là thắt tín dụng dễ dẫn đến đổ vỡ thị trường là hoàn toàn khó có thể xảy ra.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Việt Nam
Thị trường BĐS cũng như các lĩnh vực kinh tế khác đang chịu tác động nhất định của chính sách thắt chặt tiền tệ. Các chính sách này đang dần có kết quả ở phương diện kinh tế vĩ mô. Trong 6 tháng cuối năm hy vọng các kết quả nêu trên càng được rõ nét ở phương diện kiểm soát được mức lạm phát theo kế hoạch, một trong những tiêu chí tiên quyết để có thể có nhiều điều kiện về vốn hơn trong phát triển BĐS.
Tuy vậy, thị trường BĐS vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và đáng quan tâm. Những suy giảm đang thảo luận thực ra còn có nguyên nhân khách quan, thị trường BĐS có tính chu kỳ, một chu kỳ có thể dự báo được.
Tại thời điểm này, thị trường suy giảm, thị trường vẫn trong quá trình thanh lọc và lựa chọn các dự án, sản phẩm phù hợp.
Nguồn cung tương lai theo các dự báo trước kia có thể sẽ được điều chỉnh khi chủ đầu tư thay đổi kế hoạch kinh doanh. Người mua sản phẩm vẫn tiếp tục có những thuận lợi hơn trong lựa chọn các sản phẩm. Tóm lại, đây là thời điểm thích hợp để việc nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị đầu tư triển cho sự hồi phục thị trường trong các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản
Thời gian tới, nếu Nhà nước chưa kiềm chế được lạm phát thì có nghĩa chính sách thắt chặt tín dụng đối với bất động sản vẫn có thể tiếp tục được đặt ra, thị trường do đó chưa thể sôi động trở lại ngay được. Mặc dù thị trường ảm đảm nhưng chắc chắn sẽ không xảy ra hiện sụp đổ, rồi thậm chí vỡ bung như người ta vẫn mô tả.
Hiện nay, giới đầu tư rất nóng lòng muốn biết Quy hoạch chung Vùng thủ đô Hà Nội đến 2030 – tầm nhìn 2050 bao giờ được Thủ tướng phê duyệt? Chỉ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung này thì số phận của các dự án, các vùng dân cư mới được định đoạt.
Về phía doanh nghiệp, nguồn vốn luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại của các doanh nghiệp nhưng vốn sẽ được cung cấp vào kênh nào trong hệ thống tín dụng cũng cần được làm rõ. Doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm cùng với Nhà nước “gồng” mình lên để có động thái kìm chế lạm phát. Nếu nhà nước phân định rõ ra những dự án rất cần thiết cho nhu cầu nhà ở thì nên cho vay.
Theo Vnmedia