Doanh nghiệp không nên "ôm" hàng
"Phải bán hàng ra được thì mới có tiền trả cho ngân hàng, còn nếu không giải quyết được thì cùng với lãi suất ngày một tăng thêm thì số tiền dư nợ BĐS còn tiếp tục tăng lên trong tương lai".
"Với bất động sản thì vị trí là yếu tố tiên quyết nhưng thị trường cũng là điểm rất quan trọng. Doanh nghiệp cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp, chiến lược kinh doanh tốt thì lúc nào cũng có khách hàng"
TS Đỗ Thị Loan – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM đã chia sẻ bên lề Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam lần thứ 3 vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tín dụng cho BĐS không được ổn định, gây mất an toàn cho các bên liên quan tham gia thị trường. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?
Thực ra mà nói, theo dõi các năm qua, các ngân hàng hết sức quan tâm và ưu ái cho ngành BĐS, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư cũng như những người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn vay cho ngân hàng.
Hiện nay, ngân hàng không thể tiếp tục cho chủ đầu tư, khách hàng vay tiền nhiều hơn nữa vì vấn đề nguồn cung tiền có giới hạn, nhiều ngành và lĩnh vực đặc biệt như sản xuất, xuất nhập khẩu… phải được ưu tiên phát triển trong tình hình hiện nay.
Nếu chúng ta tiếp tục nới lỏng cho vay, thì trên cả nước có bao nhiêu dự án, chưa có cơ quan nào tính toán tất cả các dự án này có bao nhiêu nền nhà, bao nhiêu căn hộ, thực tế nhu cầu ở thực sự tại từng địa phương, tỉnh, thành phố là bao nhiêu? Nếu cứ tiếp tục cho cung tiền ra mà không kiểm soát được quan hệ cung – cầu thì sẽ xảy ra thực trạng nhiều dự án ra mà sẽ không có người ở.
Bà nhận định như thế nào về con số Hà Nội “hút” 6,9% tín dụng trong tổng số dự nợ BĐS 6 tháng đầu năm?
Tôi nghĩ chưa có con số cụ thể của từng tỉnh thành khác như tỷ lệ bao nhiêu và có cao hơn không vì hiện nay dư nợ BĐS trên cả nước khoảng 220 nghìn tỷ thì Hà Nội đã là hơn 38 nghìn tỷ. Dù sao phía Nam vẫn nghĩ rằng, người dân Hà Nội luôn có nhiều tiền hơn người dân TP Hồ Chí Minh, lượng tiền trên thị trường Hà Nội lúc nào cũng nhiều hơn lượng tiền có trên thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh.
Về món nợ hơn 38 nghìn tỷ, từng doanh nghiệp BĐS cần cố gắng giải quyết, làm sao đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường, đáp ứng sát những nhu cầu thực sự của người dân. Phải bán hàng ra được thì mới có tiền trả cho ngân hàng, còn nếu không giải quyết được thì cùng với lãi suất ngày một tăng thêm thì số tiền dư nợ BĐS còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Quan điểm của bà thế nào khi có ý kiến cho là, với dư nợ tín dụng quá thấp thì khó khăn của thị trường BĐS Hà Nội không phải do siết tín dụng?
Qua theo dõi tôi thấy, có những thời kỳ thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh quá khó khăn, số lượng giao dịch rất ít, thế nhưng thị trường Hà Nội lại vẫn “sung”, nào là Ba Vì, Sóc Sơn đất đều sốt từng ngày, thậm chí những vùng phụ cận Hà Nội cũng sốt, khu căn hộ cũng sốt lên… Vì thế, bên cạnh vấn đề vay tiền ngân hàng, nhưng theo tôi, tiềm lực tài chính của người dân Hà Nội còn rất nhiều, có thể tham gia vào thị trường.
Do đó, con số dư nợ hơn 38 nghìn tỷ này có thể sẽ giảm hoặc tăng, điều này phụ thuộc vào vấn đề chủ đầu tư có bán được hàng hay không. Mà điều này lại phụ thuộc vào vị trí, giá cả cạnh tranh, đáp ứng sát nhu cầu của người mua, nhất là đối tượng mua để ở, kể cả nhu cầu đầu tư, mua đi bán lại, người ta phải đánh giá kỹ dự án có tính thanh khoản cao mới đầu tư. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi ngân hàng hạn chế cho vay tín dụng, chủ đầu tư xây giữa chừng không có tiền làm tiếp dẫn đến dự án dở dang thì sẽ không bán được.
Có nhiều ý kiến cho rằng, giá nhà ở Hà Nội cao là do giá đầu vào cao nên đã đẩy giá sản phẩm lên cao. Ý kiến bà về vấn đề này thế nào?
Tôi nghĩ rằng, việc giá BĐS bị đẩy lên cao trong thời gian qua là do người dân rất thích đầu tư BĐS ngoài kênh đầu tư vàng và đô la. Có lẽ, kinh nghiệm của họ cho thấy rằng, trong quá khứ có người tiền mặt cũng có nhiều nhưng sau một thời gian đầu tư nhà đất bây giờ trở nên giàu “kếch xù”, vì thế làm cho nhiều người có lòng mong muốn đầu tư trong lĩnh vực này để làm giàu như những người trước đó. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng như giai đoạn tới đây không dễ để làm giàu như những năm vừa qua.
Xin bà cho biết tình hình thị trường BĐS từ nay đến cuối năm liệu có thể khởi sắc?
Theo ý kiến cá nhân tôi thì tình hình BĐS Việt Nam không khả quan lắm trong cuối năm. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết siết chặt tín dụng nên tỷ lệ tín dụng cho khu vực phi sản xuất tiếp tục giảm từ 22% vào cuối tháng 6 và giảm còn 16% vào cuối tháng 12. Chính vì lý do đó mà nguồn tiền trên thị trường sẽ không trụ được nên dự báo thị trường từ nay đến cuối năm khả năng khởi sắc là điều rất khó.
Hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn hết sức trầm lắng, nói đóng băng là không đúng, bởi đóng băng thì không có nơi nào giao dịch nhưng thực tế ở đâu đó vẫn có giao dịch, vấn đề là nhiều hay ít và tùy theo địa phương. Còn đóng băng hoàn toàn thì không, nếu chủ dự án có đưa ra thị trường những dự án tốt, có vị trí đắc địa, đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân mà giá cạnh tranh thì chắc chắn những người có khả năng về tài chính sẽ mua để ở, còn những người mua để đầu tư, nhất là những người dùng vốn vay ngân hàng thời gian qua và thời gian tới sẽ chững lại.
Nguồn vay tín dụng từ ngân hàng đã bị siết chặt, tỷ lệ đầu tư lướt sóng, mua để chờ thời cơ bán lại sẽ giảm đi, còn những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, nếu hội tụ các điều kiện nêu trên, đặc biệt chủ đầu tư có khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ thì người dân sẽ mua.
Thị trường BĐS Việt Nam đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ khả quan hơn khi nào chính sách tín dụng được nới lỏng, kể cả chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng may ra thị trường mới có cơ hội khởi sắc.
Xin cảm ơn bà!
Theo Lao động