Thảm cảnh Đại lộ Thăng Long
Đại lộ Thăng Long một thời là trục phát triển nóng của BĐS. Nơi đây quy tụ hàng loạt đại gia, cả trăm dự án lớn nhỏ, giá cả tăng cao, mua bán ầm ĩ... trở thành tâm điểm của cơn sốt nhà đất của Hà Nội. Tuy nhiên, sau cơn sốt, dọc con đường này là các khu đất bỏ hoang, các dự án dang dở... vùi dập tên tuổi biết bao nhà đầu tư. Dân kinh doanh đã ví nơi đây như "nghĩa địa" bất động sản khổng lồ.
Con đường chết
Cách đây không lâu, thông tin đường đại lộ Thăng Long sắp đưa vào sử dụng cùng ý tưởng trục Thăng Long được lập trong đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được các đầu nậu lợi dụng thổi giá đất vùng ven phía tây Hà Nội tăng chóng mặt.
Cuối 2010, đầu 2011, bất chấp những thông tin bất lợi do Hà Nội rà soát dự án, có dự án phía Tây tăng giá một cách bất thường, giá tăng tới 30% chỉ trong vài tuần.
Tuy nhiên, đến khi thông tuyế Đại lộ Thăng Long đã không làm cho các dự án bất động sản tại đây đắt hàng như kỳ vọng. Giá bất động sản vẫn trong không khí ảm đạm, dậm chân tại chỗ và rất ít giao dịch. Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản đang triển khai nhưng đều trong tình trạng hoang vu, dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm.
Giá đất tại Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Geleximco... cho tới nay vẫn án binh bất động, rớt giá thảm hại và thanh khoản thấp. Trong khi, hơn một năm trước giá các lô đất liền kề và biệt thự tại các dự án này đã tăng mạnh bởi nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đặt kỳ vọng lớn khi tuyến đường cao tốc này được thông xe.
Đáng chú ý, trong cơn sốt cục bộ ở các dự án phía Tây vào năm 2010, mức chênh biệt thự tại Splendora vào khoảng 8 - 10 tỷ đồng/căn, bất kể diện tích lớn hay bé. Những lô có vị trị đẹp thậm chí còn có mức chênh xấp xỉ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, cùng với sự sụt giảm của thị trường, mức chênh này cũng ngày một giảm dần nhưng cũng không dưới vài tỷ.
Tương tự, dự án Nam An Khánh tăng từ 16 triệu đồng/m2 lên mức 22 - 26 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, những lùm xùm của dự án này khiến không ít nhà đầu tư bỏ chạy. Hiện, chủ đầu tư đang chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá từ 17,8 - 21,5 triệu đồng/m2, đồng thời áp dụng chính sách chiết khấu cho khách hàng thanh toán trước hạn đến 8,4 %; chiết khấu cho khách hàng mua với số lượng lớn đến 3%.
Đại dự án Geleximco - Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng từ năm 2007. Đến nay chỉ lác đác vài hộ đến ở.
Hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ, thậm chí một số dự án phải giao nhà trong năm 2012 nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành xong phần móng để huy động vốn theo đúng luật rồi "đắp chiếu", khiến hàng trăm nhà đầu tư tập trung đòi chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại và muốn rút vốn.
Chôn vốn nhà đầu tư
Khác với những năm trước khi đất nền phía Tây Hà Nội "chỉ có lên mà không xuống", cứ mua được đất cầm chắc có lãi, nhưng hiện nay đã rớt giá thảm hại. Nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào BĐS phía Tây đã kiếm bộn tiền qua các thương vụ mua đi bán lại.
BĐS đóng băng, hàng loạt dự án bỏ hoang dọc các trục đường Đại lộ Thăng Long án binh bất động, biển báo tên dự án thậm chí còn biến mất, số lượng nhà đầu tư phải "chôn" vốn ở đây chắc chắn không phải ít. Nhà đầu tư hiện không kỳ vọng tuyến đại lộ đẹp nhất Thủ đô sẽ giúp giá đất nền dự án hai bên đại lộ tăng giá mạnh trở lại.
Nhiều người dân sau một thời gian ôm đất để đầu cơ đang phải chịu những thiệt hại do không chuyển nhượng kịp. Tại dự án Spendora, thay vì lãi hàng chục tỷ đồng tiền chênh, hàng loạt nhà đầu tư đã trót ôm biệt thự tại dự án này đang khóc dở mếu dở vì không đẩy được hàng, trong khi chủ đầu tư lại tăng giá bán. Họ rất sốc khi giá đất nền tại đây tuột dốc, chỉ còn bằng, thậm chí thấp hơn mức giá tại một số dự án lân cận.
Theo các chuyên gia, giảm giá đất nền dự án phía Tây không phải là bất ngờ. Bà Đỗ Thu Hằng, đại diện một đơn vị tư vấn nhận định, khu vực phía Tây có giá nhà đất giảm mạnh nhất trên thị trường. Trước đây, địa ốc khu vực phía Tây tăng trưởng nóng do nhiều nhà đầu tư đón đầu quy hoạch, nhờ vậy giá đất liên tục bị đẩy cao. Hiện giá giảm mạnh nhất do giới đầu tư lướt sóng rời bỏ thị trường.
"Nay thị trường chững lại, khách mua không mặn mà với một số khu vực biệt thự, liền kề ở phía Tây do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Nhà đầu tư cũng án binh bất động nên giá biệt thự khu vực này giảm mạnh", bà Hằng nhận xét.
Theo khảo sát một số sàn BĐS, lý do chính của việc giá không tăng là không có đường đi thẳng vào khu dự án. Việc phải đi đoạn đường dài để đến đường gom rồi vòng lại khiến người mua "nản". Ngoài ra, việc thiếu tính liên kết với các đô thị lân cận, thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu như: Chợ, trường học, trung tâm y tế, các dịch vụ giải trí..., cũng khiến nhiều người muốn mua nhà để ở băn khoăn...
Theo VEF