Do doanh nghiệp BĐS đã bán buôn cho các công ty thứ cấp trước khi dự án hoàn thiện
nên giá nhà ở luôn cao quá tầm với của người dân. Ảnh: Lã Anh
nên giá nhà ở luôn cao quá tầm với của người dân. Ảnh: Lã Anh
Sau ít ngày gây hào hứng cho mọi người về một cơ hội lớn được mua những căn hộ trực tiếp từ chủ đầu tư, không phải qua các nấc trung gian như trước, chương trình “Ngày hội giá gốc” (ban đầu dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-9) đã khiến không ít người chưng hửng vì những lỗ hổng không đáng có trong khâu tổ chức. Ban tổ chức phải lùi lại chương trình này đến cuối tháng 10 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Dư luận liên tục đặt ra các câu hỏi: Tính xác thực của hàng hóa ra sao? Giá ở mức độ nào gọi là giá gốc?
Mặc dù ban tổ chức đã khẳng định khách hàng sẽ có thư bảo đảm nhà giá gốc của chủ đầu tư lẫn ban tổ chức, nhưng ai sẽ bảo đảm cho những rủi ro của khách hàng trong giao dịch? Tiếp đó là những lùm xùm về việc cấp phép cho chương trình này, khiến dư luận nghi ngờ năng lực của những người đứng ra tổ chức và rồi ngờ vực: Phải chăng thực chất đây chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS xả hàng ế?
Theo nhiều chuyên gia BĐS, chương trình này chắc chắn sẽ không bị săm soi nhiều đến vậy nếu như chỉ “khoác” một cái tên chung chung “Hội chợ BĐS” hay “Ngày hội mua bán BĐS”..., không liên quan gì đến cụm từ “giá gốc”. Quá quen thuộc với một thị trường giá “ảo”, “bong bóng” đã khiến dư luận nghi ngờ về những giá trị “thực” chương trình này đưa ra.
Thêm vào đó, những con số “khủng” được dự kiến như sẽ có khoảng 1.000 giao dịch, thu hút 10.000 người có nhu cầu tham gia, có khoảng 50 doanh nghiệp BĐS tham gia với 500 bàn tư vấn trong điều kiện thị trường BĐS đóng băng như hiện nay càng khiến cho mọi sự chú ý dành cho chương trình tăng lên gấp bội.
Hiệu quả của chương trình này chưa biết đến đâu nhưng trước mắt có lẽ nó đã giảm bớt độ “nóng” lẫn sức hấp dẫn trong lòng người dân, đặc biệt là những người đang có nhu cầu mua nhà thực.
Thế nào là giá gốc?
Trên thực tế, bỏ qua những lợi ích kinh tế các đơn vị tổ chức có thể thu được, bỏ qua việc đã cấp phép hay chưa cấp phép, chương trình này có thể coi là một trong những sự kiện BĐS ấn tượng nhất trong năm và mang lại nhiều ích lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Người dân sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng trăm nguồn hàng lớn và có thể tìm được một sản phẩm phù hợp túi tiền của mình. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm kiếm được khách hàng trong thời thị trường BĐS đang khó khăn.
Còn nhớ cách nay không lâu, một doanh nghiệp BĐS thông báo “bán nhà giá gốc” và ngay lập tức đã tạo thành “cơn bão” trên thị trường dù giá bán cũng không quá rẻ. Sự “ngoằn ngoèo” trong quá trình phân phối hàng hóa BĐS từ nhà sản xuất (doanh nghiệp BĐS) đến đối tượng tiêu thụ (khách hàng) đã khiến cho khái niệm “giá gốc” trở nên khan hiếm và xa xỉ trên thị trường.
Mặc dù tất cả doanh nghiệp BĐS lớn đều có sàn giao dịch BĐS - nơi người dân có thể trực tiếp mua được hàng hóa với “giá gốc” nhưng trên thực tế, năng lực yếu kém của sàn đã khiến cho điều này không thể có. Doanh nghiệp BĐS dưới áp lực của việc quay vòng vốn bắt buộc phải giấu kín thông tin về dự án của mình và gần như bán buôn cho các công ty thứ cấp trước khi dự án hoàn thiện.
Từ đây, khi đến tay khách hàng, giá bán đã tăng thêm nhiều nấc nữa, lên đến mức không còn xác định được đâu là mức giá đầu tiên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS “nổi sóng” và giá nhà ở luôn cao quá tầm với của người dân.
Quay trở lại với ý tưởng về một chương trình quy mô bán nhà giá gốc, theo GS. Đặng Hùng Võ, không nên đặt nặng vấn đề như thế nào là giá gốc, vì ngay đến cả cơ quan quản lý thị trường cũng không xác định được và còn tùy vào từng trường hợp, cái chính là người tiêu dùng cảm thấy giá thuận mua được chưa, còn chưa mua được thì thôi, không ai có thể bắt ép.
Đồng tình với ý kiến này, giám đốc một sàn giao dịch BĐS có tiếng ở Hà Nội cũng khẳng định: Mức giá người dân có thể chấp nhận mua chính là giá gốc.
Theo SGĐTTC