Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Nguyên nhân trực tiếp có thể lý giải là do tỉnh Quảng Trị là một tỉnh nghèo, trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà cũng vừa trở thành TP trực thuộc tỉnh chưa lâu. Cụ thể, theo bảng giá các loại đất mà UBND tỉnh Quảng Trị công bố năm 2010, đất ở tại đô thị đắt nhất cũng chỉ có giá 6.800.000 đồng/m2 và năm 2011 có giá 8.000.000 đồng/m2.
Đây là mức giá đất áp cho loại đường phố 1A tại một số đoạn đường thuộc các trục đường chính của TP Đông Hà như: Lê Duẩn, Hùng Vương, Quốc lộ 9, Trần Hưng Đạo. Còn với các trục đường khác mức giá còn rẻ hơn rất nhiều.
Theo một số người chuyên kinh doanh BĐS tại TP trẻ này thì đó là lẽ hiển nhiên vì về cơ bản giá đất ở Đông Hà còn rất rẻ nên nếu tăng nữa vẫn có thể chấp nhận được. Thậm chí, tại nhiều đoạn đường trong TP, người ta mua bán với nhau dựa theo cách tính giá mét chiều ngang của thửa đất chứ không tính m2. Kể cả tính theo cách này giá đất thực tế vẫn cao hơn so với bảng giá mà UBND tỉnh công bố.
Hiện, tại khu đô thị Nam Đông Hà (giai đoạn 1) hầu như không còn đất trống, những ngôi nhà mới đã được xây dựng ken dày vào nhau. Còn tại khu vực thực hiện giai đoạn 2 của khu đô thị này (nằm cuối đường Hùng Vương nối dài) dù mới được chính quyền đưa ra đấu giá chưa lâu nhưng giá đất đã bị thổi lên gấp 2,3 lần.
Không riêng gì tại các khu vực đã được quy hoạch là khu đô thị chính của TP mà giá đất tại một số trực đường nhỏ, nằm sát ruộng, thậm chí có nguy cơ ngập lụt…vẫn tăng như thường. Điển hình là tại phía cuối đường Thành Cổ, đường Khóa Bảo, một số trục đường thuộc P. Đông Lễ. Một người dân đang sống tại đường Thành Cổ cho PV biết chỉ khoảng 5 tháng trở lại đây giá đất tại cung đường này đã tăng lên gấp rưỡi.
Thị trường BĐS tại TP Đông Hà có rất nhiều tiềm năng và nhiều người tiên đoán rằng nó sẽ còn nhộn nhịp hơn trong thời gian tới.
Theo Thanh Niên