Lãi suất sẽ giảm mạnh lần cuối cùng trong năm 2012
DN không tiếp cận được vốn không phải vì lãi suất cao hay thấp - ông Trần Xuân Giá |
Xung quanh các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, nợ xấu… VOV online có cuộc trao đổi với nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá.
* Thưa ông, vấn đề điều hành lãi suất thời gian tới được các NH bàn bạc trong buổi làm việc với NHNN hôm 31/5 sẽ theo hướng nào?
Ông Trần Xuân Giá: Nói chung, các NH thực hiện nhất quán chủ trương điều hành lãi suất theo tín hiệu chỉ số lạm phát (CPI). Chiều hướng chung CPI tiếp tục giảm, dự báo trong tháng 6 có tăng cũng ở mức độ rất thấp. Chủ trương đi liền với đó là tiếp tục giảm các lãi suất chủ chốt. Nếu CPI tiếp tục ở mức 0,1-0,2% so với tháng trước thì có thể phải giảm sâu hơn lãi suất. Có thể giảm 2%. Việc cứ 3 tuần, 1 tháng lại giảm lãi suất một lần tạo tâm lý chờ đợi không cần thiết cho cả người gửi và vay tiền. Do đó, nếu thực hiện sự giảm sâu hơn so với mấy lần trước thì có thể đây là lần giảm cuối cùng trong năm nay để ổn định từ nay đến cuối năm. Tôi cho rằng việc làm đó là đúng và cần thiết.
* Các DN kêu khó, dường như NH không có khó khăn gì trong thời điểm hiện tại, thưa ông?
Ông Trần Xuân Giá: Cản trở lớn nhất hiện nay của các NH là không tăng được tín dụng (đến 28/5 tín dụng vẫn âm, nếu loại các yếu tố khác thì cũng mới về 0%). Đây biểu hiện một nền sản xuất kinh doanh đang khó khăn. Ở Việt Nam, tín dụng là kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế. Việc DN không đến được với ngân hàng (không tiếp cận được vốn) không phải vì lãi suất cao hay thấp.
Hiện nay, nhu cầu vốn ở mức rất thấp. Đây là điều cần quan tâm vì hàng tồn kho, sản xuất khó khăn thì vay vốn để làm gì? Có thể chia DN thành 2 nhóm: thứ nhất không có nhu cầu vay vốn hoặc nhu cầu thấp do đầu ra của sản xuất gặp khó. Nhóm thứ hai là vì nợ cũ không trả được, có nhu cầu nhưng NH không cho vay.
* Vậy lãi suất không phải là chìa khóa giải quyết các khó khăn của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?
Ông Trần Xuân Giá: Đúng là gỡ khó cho DN không phải là tập trung sức giảm lãi suất mà làm sao xử lý được nợ xấu, để các DN có nhu cầu vay vốn đạt được chuẩn tối thiểu về an toàn cho NH. Điều này, từng NH đã làm bằng việc cơ cấu lại nợ… và NHNN cũng có văn bản qui định về vấn đề này. Nhưng ở cấp từng NH xử lý thì không được bao nhiêu. Đó là chưa nói, khi đưa ra các chuẩn mới thường là khó khăn hơn các chuẩn cũ. Như vậy, càng gây khó khăn cho DN đến với NH.
* Việc sẽ tiếp tục hạ lãi suất có ảnh hưởng đến doanh thu của các NH, thưa ông?
Ông Trần Xuân Giá: Thực tế, các NH cũng khó khăn. Có NH thì thiếu thanh khoản, có NH thì thừa vì nhu cầu người vay không có. Bản thân NH là một DN nên phải tự lo xử lý nợ xấu của chính nó để tồn tại. NH phá sản thì rất nặng nề, mang lại hệ quả xấu cho đất nước. Cho nên nó càng phải giữ gìn hơn chứ không phải muốn gây khó dễ gì cho DN.
* Trong buổi làm việc hôm qua, NHNN đưa ra chủ trương thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc, với tổng vốn điều lệ khoảng 100.000 tỉ đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Trần Xuân Giá: Ý tưởng thành lập các công ty mua bán nợ trong hệ thống tài chính – ngân hàng là cần thiết và cần ngay bây giờ. Bởi kinh nghiệm cá nhân tôi, xử lý vấn đề này rất tốn kém. Vì càng lâu thì chi phí càng cao, xử lý vấn đề càng khó khăn.
Đầu năm 1990, qui mô NH nhỏ hơn bây giờ, nhưng xử lý phải do Ban xử lý nợ trung ương để xử lý giai đoạn 1-2-3… Tất nhiên cung cách xử lý lúc ấy so với hiện nay là khác. Nhưng tôi muốn nói, xử lý vấn đề này phải là ở tầm quốc gia chứ không thể ở từng DN.
* Tiền đề ban đầu cho Công ty này là gì, thưa ông?
Ông Trần Xuân Giá: Mua bán nơi phải cần nhiều tiền. Giả sử tổng GDP là 5 tỷ, có người thì tính số nợ cần phải xử lý chiếm 10% hoặc 5% trong GDP... (lần lượt là 10 tỷ và 5 tỷ USD). Tất nhiên ở VN không cần 10 tỷ USD, nhưng phải là 4-5 tỷ. Con số này không phải là bé với qui mô của nền kinh tế chúng ta. Nhưng có thể có được bằng cơ chế.
Nguồn lực đó từ nhà nước, huy động từ phía NH trong và ngoài nhà nước. Tất cả những thứ đó phải có nguồn tiền lớn và nguồn này phải hết sức đa dạng.
* Có ý kiến phản đối lấy nguồn từ ngân sách và coi đây là một sự đánh đố?
Ông Trần Xuân Giá: Tôi biết ý kiến này. Tôi thì ngược lại vì đã từng làm việc cụ thể này. Những năm 1990, yêu cầu DNNN thay vì cấp vốn phải đi vay vốn, nhưng lãi suất cao nên không DN nào có thể vay được. Khi đó, Nhà nước đứng ra bù giữa lãi suất thị trường với lãi suất doanh nghiệp có thể chịu đựng được. Đấy cũng là NS, là tháo gỡ cái khó cho DN có thể đến được với NH. Và nó chuyển được việc từ nay NS không bao cấp nữa. Muốn hoạt động được thì phải đi vay để đầu tư. Cái được lớn nhất là cơ chế từ bao cấp sang thị trường. Nhưng khi NN bỏ tiền ra thì phải cân nhắc chứ không thể đại trà được. Một loạt DN không chịu đựng được đã phải giải thể. NN phải xử lý lao động, về hưu một cục… để DN có đủ điều kiện đến với NH. Như vậy, anh muốn được một cơ chế thì anh phải tốn chi phí. Đây không phải là chuyện thương DN này, ghét bỏ DN khác.
Bây giờ, cách thức thực hiện đã khác nhưng không thể không bỏ ngân sách được. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, bỏ ngân sách ra nhiều khi còn có lợi. anh mua bây giờ đến lúc anh làm nó khá lên thì sẽ bán lại.
* Xin cảm ơn ông!
Theo VOV