Hàng ngàn tỉ đồng BĐS tồn kho
Tại buổi tọa đàm “Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh” ngày 16-8 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt nhất là phải có giải pháp xử lý hàng tồn kho bất động sản.
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN), cho biết: “Vấn đề nổi cộm với các ngân hàng hiện nay là tín dụng tăng chậm và nợ xấu gia tăng, phải tìm cách tháo gỡ trước”. Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đến tháng 7 chỉ đạt 0,57%.
Theo TS Vũ Đình Ánh, muốn gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải xử lý cái gốc là hàng tồn kho. Nhưng mình NHNN không thể tự xử lý được. Gần đây, Bộ Công Thương có Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng các đề xuất về chính sách tín dụng, lãi suất lại quá “lạc hậu” vì NHNN đã làm xong rồi.
Ông Ánh phân tích: Tổng cục Thống kê công bố số tồn kho tính đến tháng 7 là 26%, nhưng chỉ thể hiện trên lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ… còn tồn kho lĩnh vực bất động sản (BĐS) và chứng khoán không thấy đề cập, dù lượng vốn bị ứ đọng vào đây rất lớn.
Do đó, quy mô tồn kho của nền kinh tế còn lớn hơn nhiều. Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay BĐS tính tới ngày 30-4 là 150.000 tỷ đồng. Nhưng con số của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là gấp đôi, khoảng 350.000 tỷ đồng.
Khi tiếp xúc với doanh nghiệp thấy phần dự phòng rủi ro cho BĐS và chứng khoán rất kinh khủng. Khoản trích lập này có thể biến doanh nghiệp từ lãi sang lỗ, thậm chí không thể tiếp tục trả nợ ngân hàng.
“Tồn kho BĐS rất nguy hiểm, vì hầu hết tài sản thế chấp của ngân hàng là BĐS. Nếu không xử lý tài sản thế chấp thì các ngân hàng sẽ chết chìm theo và trở thành tội đồ lớn nhất. Nhưng tài sản BĐS (nhà, đất) hiện được quản lý chồng chéo bởi quá nhiều bộ, ngành liên quan đến đất đai, chính sách tài chính… nên một mình ngân hàng không thể xử lý được”, ông Ánh nói.
Bà Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, cho rằng, ngoài chính sách nới tín dụng BĐS, hiện vẫn chưa có thêm giải pháp nào từ các bộ ngành liên quan để giải quyết vấn đề của thị trường BĐS. Thời gian qua, có nhiều chính sách cho lĩnh vực BĐS nhưng chưa bao giờ thực hiện.
“NHNN đã nới hết chính sách khuyến khích rồi, nên muốn giải quyết hàng tồn kho BĐS cần phải có thêm giải pháp hỗ trợ và thực hiện đồng bộ”, bà Ngọc nói.
Theo Tiền phong