Tranh chấp phí bảo trì căn hộ
Theo quy định, trước khi nhận nhà, mọi chủ sở hữu nhà chung cư (CC) đều phải đóng phí bảo trì 2% tổng giá trị căn hộ. Số thu lớn nhưng chưa cần sử dụng ngay dẫn tới tranh chấp tại nhiều CC khi chủ đầu tư cố tình giữ lại khoản tiền này làm "của riêng", mặc quy định số tiền này phải giao lại cho cư dân quản lý...
Ban Quản trị (BQT) CC Ehome 2 (Q.9, TP.HCM) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố Công ty CP phát triển căn hộ Nam Long (Công ty Nam Long), chủ đầu tư CC Ehome 2, về việc chiếm dụng tiền quỹ bảo trì CC gần 10 tỉ đồng và không bàn giao công trình sở hữu chung cho cư dân. Theo ông Nguyễn Sanh Phát, Trưởng ban BQT CC Ehome 2, việc này đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của toàn bộ cư dân sinh sống tại CC.
“Cư dân bị mất đi khoản tiền lãi rất lớn hằng tháng trên số tiền phí bảo trì căn hộ gần 10 tỉ đồng hiện đang bị Công ty Nam Long chiếm giữ”, ông Phát bức xúc. Được biết, cụm CC Ehome 2 bao gồm 5 lô với 604 căn hộ đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng gần 2 năm nay. Hiện đã có trên 400 hộ dân chuyển đến sinh sống.
Liên quan đến vụ việc này, Sở Xây dựng cũng đã có công văn hướng dẫn Công ty Nam Long bàn giao số tiền trên khi BQT được bầu ra và đã mở tài khoản tại ngân hàng. Nhưng đến nay theo ông Phát, chủ đầu tư vẫn cố tình thoái thác bằng những lý do không hợp lý như: chờ hướng dẫn của UBND quận 9, tài khoản tiền gửi không hợp lệ…
Tại CC Phú Mỹ Thuận (H.Nhà Bè), các cư dân cũng nhiều lần phản đối chủ đầu tư là Công ty CP Phú Mỹ Thuận chiếm giữ khoảng 10 tỉ đồng quỹ bảo trì từ mấy năm nay. Theo ông Châu Hoàng Tiến Sĩ, Trưởng BQT CC, BQT được UBND huyện công nhận từ hồi đầu năm 2012, sau đó đã nhiều lần cư dân yêu cầu chủ đầu tư bàn giao lại khoản tiền này cho cư dân quản lý nhưng công ty khất lần và đến nay vẫn chưa giao.
Trong khi đó, số tiền này đã được chủ đầu tư “giữ hộ” từ năm 2010. “Chủ đầu tư hứa sẽ trao lại số tiền này cho cư dân quản lý, nhưng chưa biết đến bao giờ. Đáng nói là lãi suất của số tiền này từ trước đến nay họ báo chỉ là 3%/năm, trong khi thực tế mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng cao hơn gấp nhiều lần. Như vậy cư dân quá bị xử ép và quá thiệt thòi”, ông Sĩ bức xúc.
Tại Hà Nội, mới đây các cư dân sinh sống tại tòa nhà CT3 khu đô thị mới Văn Khê cũng đã tố chủ đầu tư là Công ty CP 126 đang tạm giữ gần 3,3 tỉ đồng tiền phí bảo trì CC từ gần 2 năm nay. Trong khi đó, chủ đầu tư tuyên bố “đã lỡ tiêu hết rồi”.
Nên bỏ hoặc giãn thu
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, phải thay đổi cách thu phí bảo trì CC để giảm bớt gánh nặng cho người mua nhà cũng như phù hợp với thực tế. Ông Võ Văn Bé, Phó tổng giám đốc Tập đoàn SSG, cho biết sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng thay đổi cách thu phí bảo trì căn hộ hiện nay.
Theo quy định, trước khi nhận nhà, mọi chủ sở hữu nhà CC đều phải đóng phí bảo trì 2% tổng giá trị căn hộ. Số tiền này sẽ được dùng vào việc sửa chữa, tu bổ kết cấu công trình và hệ thống máy móc vận hành tòa nhà khi hết hạn bảo hành, khi chưa dùng đến thì gửi vào ngân hàng.
“Tuy nhiên, trung bình khoảng 5 năm đầu, tòa nhà gần như rất ít có hư hại và thời gian này vẫn còn thời hạn bảo hành nên chưa cần dùng tới số tiền trên. Ngay cả trong trường hợp nếu có hạng mục cần phải bảo trì, có thể dùng tiền phí quản lý CC. Vì vậy, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu một hình thức thu nào đó hợp lý để nhẹ gánh cho khách hàng. Theo tôi, 5 năm đầu không nhất thiết phải thu khoản phí này", ông Bé nói.
Giám đốc một công ty địa ốc tại TP.HCM tính toán, với căn hộ 1 tỉ đồng, phí 2% là 20 triệu đồng. Đa phần người mua căn hộ loại này là người có thu nhập trung bình, giảm được 20 triệu với họ là rất đáng mừng. Còn với các căn hộ có giá trị lớn thì số phí cao gấp đôi, gấp ba.
Tại chung cư Saigon Pearl, khoản phí 2% được thu trong 5 năm. Ảnh: Đình Sơn |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như hiện nay thì những giải pháp giảm phí, giảm giá là nên làm để kích thích sức mua, nhất là số tiền này trong mấy năm đầu chưa phải dùng đến. “Thu chỉ khiến phát sinh tranh chấp nếu chủ đầu tư cố ý chiếm làm của riêng hoặc dùng vào việc khác. Vì vậy, nên thu khoản này sau 3-5 năm vận hành”, vị giám đốc này nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tòa nhà bao giờ cũng được mua các loại bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm cho các thiết bị máy móc và các rủi ro đặc biệt. Do đó, khi xảy ra sự cố đặc biệt đều được bảo hiểm chi trả. “Để tránh xảy ra tranh chấp và trong lúc khó khăn hiện nay, chúng ta có thể linh động cho đóng khoản tiền này làm nhiều lần trong nhiều năm thay vì đóng một cục. Hoặc có thể bỏ thu khoản phí này, khi xảy ra sự cố có thể trích từ tiền phí dịch vụ CC và sau đó thu lại của cư dân”, một chuyên gia kiến nghị.
Không đóng ngay một lúc Trên thực tế, cũng có một số dự án đã giãn tiến độ thu để giảm bớt gánh nặng cho khách hàng. Đơn cử như tại Saigon Pearl (Q.Bình Thạnh) do Công ty Việt Nam Land SSG làm chủ đầu tư từng thu khoản tiền này theo nhiều hình thức như: thu 5 USD/m2/năm và có thể đóng trong 5 năm…, giúp người dân giảm bớt được một khoản tiền phải đóng trong thời gian đầu. |
Theo TNO