Gồng mình gánh những khu nhà chọc trời
Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội nhằm giảm tải cơ sở hạ tầng và dân cư cho các khu vực nội thành song trên thực tế, nhiều khu vực, nhiều tuyến phố nội thành dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải gồng mình gánh những khu nhà chọc trời kéo theo nhiều hệ luỵ.
Loạt tòa nhà chung cư mọc lên trên con phố nhỏ Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Hoàng Anh. |
“Trước đây dù mưa lớn nhưng tuyến phố này vẫn ít bị úng ngập, thế mà trong các đợt mưa ảnh hưởng cơn bão số 6 vừa qua cả tuyến phố này luôn bị ngập sâu. Trong khi giao thông ở đây thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Nhiều người thường gọi ở đây là “phố chung cư” khi mà hàng loạt dự án chung cư cao tầng cứ đua nhau mọc lên”, ông Lê Văn Bảy, một cư dân sống ở trên tuyến phố chung cư Vũ Trọng Phụng thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nói.
Phố Vũ Trọng Phụng hiện dài khoảng 700m, còn chiều rộng áng chừng hai chiếc ô tô đi ngược chiều tránh nhau rất khó nhưng lại có hàng loạt dự án chung cư cao tầng mọc lên. Đơn cử tại số 47 của tuyến phố hiện có dự án khu nhà chung cư văn phòng Sakura Tower với tòa nhà cao 22 tầng, bao gồm trên 180 căn hộ đang được đưa vào sử dụng.
Tại số 59 là dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng thương mại cho thuê với hàng trăm căn hộ đang được hoàn thiện trên khu đất 3.279m2. Đối diện với dự án này là khu nhà cao tầng của Đại học quốc tế Bắc Hà (số 54 Vũ Trọng Phụng). Kế tiếp tại số 69 là dự án khu nhà ở và trung tâm thương mại được xây dựng trên khu đất 11.235m2.
Dự án này đang bắt đầu được triển khai với quy mô hai khối nhà cao tầng cao 22 tầng với hàng trăm căn hộ. Nằm cuối của tuyến phố Vũ Trọng Phụng là một dự án bất động sản vào dạng “khủng” mang trên tổ hợp chung cư cao cấp Hapulico Complex (số 85 Vũ Trọng Phụng) được xây dựng trên diện tích 4,3 ha bao gồm khu nhà biệt thự, nhà vườn và 7 tòa tháp căn hộ cao từ 17 đến 24 tầng (khoảng trên 800 căn hộ) và 1 tòa tháp văn phòng 24 tầng...
Hạ tầng chạy theo cao ốc
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, tuyến phố Vũ Trọng Phụng dù ngắn nhưng ở đây tập trung nhiều khu đất của các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan hành chính nên hiện được nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển đổi để làm dự án bất động sản.
Trong các cuộc họp, “nhiều người lo lắng khi trên địa bàn có nhiều khu chung cư cao tầng đang được đưa vào sử dụng kéo theo hàng trăm nhân khẩu mới sẽ gây áp lực lớn về giao thông, điều kiện sống”, ông Hòa nói.
Theo lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung, hiện dân số của cả phường khoảng trên dưới 19.000 người nhưng nếu các chung cư trên địa bàn được đưa vào sử dụng, số dân sẽ tăng vọt gấp nhiều lần. Trung bình mỗi khu nhà chung cư cao tầng khoảng 200 căn hộ, nếu đưa vào sử dụng thì kéo theo hàng ngàn nhân khẩu mới về đây sinh sống. Sẽ khó hình dung tình cảnh ở khu vực phố Vũ Trọng Phụng trong nay mai, nếu tuyến đường này không mở rộng.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xây nhà cao tầng là cần thiết do đất chật nên không còn cách nào là phải vươn lên cao. Nhưng việc phê duyệt ồ ạt dự án chung cư cao tầng ở các khu vực đông dân cư, các khu vực mà cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
“Hệ lụy của quá trình bê tông hóa rất rõ nhất là trong các trận mưa vừa qua, Hà Nội lại chìm ngập trong biển nước do không có chỗ mà thoát khi đâu đâu cũng mọc lên cao ốc”, ông Liêm nói.
Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Trần Chủng cho rằng, ở khía cạnh nào đó khi phê duyệt các dự án nhà chung cư cao tầng ở các khu vực mà cơ sở hạ tầng, đường sá chưa được đầu tư đồng bộ thì cơ quan chức năng cần phải tham khảo ý kiến của người dân, sở chuyên môn liên quan vấn đề giao thông, hạ tầng xã hội khu vực đó, tránh tình trạng quá tải hạ tầng ở khu vực đấy.
Theo Tiền phong