Giá bất động sản Việt Nam quá cao
Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay, bất động sản vẫn là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng trong tương lai.
Ông Chính phát biểu tại hội nghị toàn cảnh thị trường bất động sản - tài chính 2011 tổ chức tại Hà Nội ngày 9-4.
Cao so với bình quân thu nhập của người dân
Hội nghị toàn cảnh thị trường bất động sản - tài chính 2011 và giới thiệu cơ hội đầu tư hấp dẫn từ một số dự án bất động sản do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông thành phố Hà Nội và Tập đoàn Đất Xanh tổ chức thu hút sự tham gia của trên 700 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.
Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhìn từ trên cao - Ảnh minh họa: Hồng Nhựt |
Giá bất động sản tại Việt Nam hiện vẫn đang đứng ở mức cao so với bình quân thu nhập của người dân và cơ cấu hàng hóa lại mất cân đối nghiêm trọng. |
Tại quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu về bất động sản cũng rất lớn. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi. Điều này có thể thấy rõ nhất ở năm 2010 với tâm điểm là loại hình nhà ở thu nhập thấp và hệ thống văn bản chính sách được ban hành kịp thời (nghị định 71-CP và thông tư 16-BXD).
Những động thái này vừa giúp thị trường được bổ sung nguồn cung (thêm mới 86 triệu m2 sàn nhà ở), xác định rõ nhu cầu của từng phân khúc, làm tăng tính minh bạch cho thị trường và tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà đầu tư.
Giá bất động sản tại Việt Nam hiện vẫn đang đứng ở mức cao so với bình quân thu nhập của người dân và cơ cấu hàng hóa lại mất cân đối nghiêm trọng. Trên thực tế, tỉ lệ diện tích nhà chung cư chỉ bằng 1,23% tổng diện tích nhà ở trên toàn quốc.
Tại các đô thị lớn như TP.HCM, tỉ lệ này cũng vẫn rất nhỏ, chỉ đạt mức 16% và Hà Nội là 14%. Hình thức sở hữu nhà của người dân cũng chưa đa dạng, cả nước chỉ có 6,5% người dân ở nhà thuê.
"Ảo" nhiều
Mặc dù đánh giá chung toàn cảnh thị trường bất động sản, cung vẫn chưa đáp ứng kịp cầu, nhưng trên thực tế lượng cầu về bất động sản rất khó nắm bắt chính xác do “ảo” nhiều. Nguyên nhân dẫn đến “cầu ảo” là do tình trạng đầu cơ khá phổ biến nhất là trong những năm gần đây.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho biết hiện tín dụng dành cho bất động sản của TP.HCM cao nhất cả nước, chiếm tới 50%. Trong khi đó, Hà Nội cũng chỉ mới bứt từ tỉ lệ 14% lên 20%.
Theo dự báo của ông Nghĩa, giá nhà ở khu vực nội ô sẽ tăng hoặc giảm với tốc độ chậm hơn so với khu vực vùng ven và nó phụ thuộc nhiều vào quy hoạch cũng như tiến độ của các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, tại Hà Nội - nơi có làn sóng nhập cư mạnh nhất toàn quốc - sẽ tạo ra sự sôi động trên thị trường bất động sản bởi tính thanh khoản cao và lớn. Điển hình nhất là thị trường bất động sản Hà Nội đã đi theo một hướng khác hẳn các đô thị khác, kể cả TP.HCM.
Nếu khi các địa bàn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... cung đang ngày càng tiếp cận sát cầu thì cầu ở Hà Nội vẫn vượt xa cung trong khoảng 10 năm tới. Ngoài nguyên nhân đầu cơ, cầu bất động sản của Hà Nội vẫn cao do thị trường này không chỉ phục vụ riêng cư dân thủ đô mà còn thu hút nhiều dân cư cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc tham gia. Nhiều gia đình có kinh tế đều muốn mua một căn nhà tại Hà Nội để cho con cái đến tuổi trưởng thành về học tập và gia đình đi lại thường xuyên để tận hưởng những dịch vụ công cộng có chất lượng cao tại thủ đô.
Bệnh muôn thuở
Bắt mạch thị trường bất động sản, giáo sư - tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ chỉ ngay căn bệnh muôn thuở là thiếu vốn. Hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã khiến các nhà đầu tư lớn gặp khó khăn mà đặc trưng của thị trường nhạy cảm này lại luôn phụ thuộc vào các giải pháp vốn, luồng vốn góp từ phương thức “mua bán nhà trên giấy” luôn được duy trì như một giải pháp chủ yếu. Do đó, năm 2011 vẫn sẽ có những cơn sốt nhà đất mang tính cục bộ, không bắt nguồn từ quan hệ cung cầu mà có thể do thông tin quy hoạch hoặc nhà đầu tư cố tình “đẩy giá”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về độ thiếu ổn định, không bền vững của thị trường. Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét: Trên thế giới, nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng đều xuất phát từ bất ổn của thị trường bất động sản. Do đó, cùng với việc siết chặt thị trường vốn cho lĩnh vực này cũng cần cân nhắc để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng nhu cầu và nhất là phải kiểm soát được tiến độ triển khai mới đem lại hiệu quả.