Doanh nghiệp BĐS phải có bộ phận chống rửa tiền
Cụ thể, các tổ chức kinh doanh BĐS bố trí cán bộ hoặc thành lập bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền; thường xuyên rà soát thông tin về khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đã có nghi vấn tiến hành các hoạt động rửa tiền hoặc khách hàng có tên trong danh sách cảnh báo của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các sàn giao dịch bất động sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản và dịch vụ quản lý bất động sản phải xây dựng và ban hành, phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có trách nhiệm quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua để thực hiện các hành vi rửa tiền.
Các tổ chức kinh doanh cần kiểm tra kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch bất động sản có dấu hiệu đáng ngờ và có giá trị lớn như: nguồn gốc tạo lập bất động sản, số lần thay đổi chủ sở hữu, tình trạng hồ sơ pháp lý; rà soát, sàng lọc các giao dịch có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu giao dịch đáng ngờ, Tổ chức báo cáo phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng.
Trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, Tổ chức báo cáo phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện.
Theo DĐKTVN