Để tránh "tiền mất, tật mang"
Thị trường thông tin BĐS Việt Nam hiện nay đang đứng trước thực trạng thiếu và yếu, thậm chí nhiễu loạn và nhiều thông tin ảo. GS.TS Đặng Hùng Võ trao đổi về những lưu ý với người tiêu dùng để giao dịch thành công, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Cò nhà đất vẫn là kênh thông tin hiệu quả
- Hiện nay, tràn lan những thông tin mua bán BĐS trên Internet dẫn đến tình trạng "nhiễu" thông tin, trong đó có rất nhiều thông tin ảo, không đúng sự thật. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Đúng là hiện nay có rất nhiều trang web về BĐS, không thể phủ nhận sự phát triển rầm rộ của nó, nhưng chất lượng thông tin thì lại không cao. Có những thông tin được đưa lên web, nhưng khi tìm đến địa chỉ đó thì lại không có, hoặc giá quảng cáo một đằng, giá thực tế một nẻo.
Cũng có những thông tin không mang mục đích bán mà có ý đồ đánh lạc hướng thị trường, không giúp được gì cho thị trường cũng như cho người tiêu dùng. Điều này tôi cũng đã thử nghiệm rất nhiều lần, trực tiếp đi mua nhà và trực tiếp sử dụng dịch vụ, nên càng thấy rõ được sự nhiễu thông tin thị trường BĐS trên Internet hiện nay.
- Vậy còn thông tin trên các sàn giao dịch BĐS thì sao, thưa ông?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Các sàn giao dịch hiện nay cũng chỉ có một số thông tin nhất định, mỗi sàn đều ứng với mỗi chủ đầu tư dự án. Nhưng đôi khi chưa chắc có những thông tin thật của các dự án. Còn các dự án mua bán nhà riêng lẻ thì hầu như có rất ít trên các sàn giao dịch cũng như các trung tâm BĐS.
Có một thực tế phải thừa nhận rằng, nhiều sàn giao dịch dù hoạt động tích cực đến mấy nhưng cũng không hiệu quả bằng một cá nhân có nhiều thông tin về lĩnh vực này, người ta làm môi giới theo tính chất hoàn toàn cá nhân, hình thức mà chúng ta vẫn quen gọi là "cò" nhà đất.
- Ông muốn nói đến hiệu quả giao dịch BĐS khi người tiêu dùng tìm đến những "cò" môi giới?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Đúng vậy. Có thể thấy người mua hiện nay có được một giao dịch thành công, thường vẫn phải qua môi giới mang tính cá nhân. Hiệu quả của "cò" vẫn là cao nhất, đóng góp tích cực vào các giao dịch trên thị trường.
Người mua sẵn sàng trả theo giá thị trường, tức là mất 0,5% tổng giá trị của giao dịch cho "cò". Đổi lại, người ta được giới thiệu những lô đất BĐS ưng ý vì mỗi người có một nhu cầu khác nhau về vị trí đất, trạng thái nhà, người ta cũng muốn được giới thiệu những vị trí BĐS đang có nhu cầu bán phù hợp với nguyện vọng của họ. Các "cò" nhà đất thường lại là những người nắm chắc nhiều thông tin này hơn các sàn giao dịch.
- Không thể phủ nhận những rủi ro khi tìm đến những "cò" nhà đất. Vậy rủi ro ở đây là gì, thưa ông?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Không ai dám cam kết khi tìm đến các "cò" môi giới là không có rủi ro. Tuy họ có nhiều kinh nghiệm thông tin và hoạt động mua bán nhà đất, nhưng lại cập nhật pháp lý chưa tốt. Ví dụ, hiện nay sổ đỏ ở nhiều quận, sau khi mua bán xong, quận không chấp nhận làm thủ tục sang tên vì có vấn đề về đăng ký nhà chưa đầy đủ, hoặc diện tích nhà trên sổ đỏ không đúng với hiện trạng.
Nếu "cò" không thông thạo về các thủ tục pháp lý thì có thể gây ra nhiều rủi ro về pháp luật.
Hoặc "cò" có thể đưa ra giá cao hơn giá của người bán để hưởng chênh lệch hoặc phân tích thông tin không đúng trên sổ đỏ, nếu không thông thạo về pháp luật để có thể phân tích, hoặc hướng dẫn chính xác người mua. Chẳng hạn, người bán đang nợ nghĩa vụ tài chính, như vậy người mua ngoài việc mua lại còn phải trả thêm cả nghĩa vụ ấy. Trong những trường hợp ấy, người mua nên đến các văn phòng luật sư để tham khảo thêm các loại thủ tục pháp lý. Nhưng hình như người Việt mình chưa có thói quen tìm đến các dịch vụ pháp lý này.
"Sàn ảo" của Việt Nam không sống được
- Liệu sẽ có một "thị trường thông tin BĐS" ở Việt Nam để người mua có thể tìm được một kênh thông tin minh bạch không, thưa ông?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Ý tưởng này được phổ biến ở nước ngoài, còn ở nước ta cũng có nhiều người làm, rất nhiều trang web thực hiện với việc làm đầu tiên là tạo ra các chợ ảo về BĐS, giới thiệu hình ảnh ba chiều, những clip về BĐS và những vùng xung quanh. Nhưng đáng tiếc là các trang web đó cho đến nay không tồn tại đúng với ý tưởng ban đầu, mà bị lệch lạc đi rất nhiều. Việc quan trọng bây giờ là đưa ý tưởng đó vào thực tế như thế nào để cả những người bán và người mua đều tin cậy tìm tới, đăng tải và tìm kiếm những thông tin BĐS một cách dễ dàng.
Ảnh minh họa.
- Theo ông, cản trở nào lớn nhất khi thực hiện ý tưởng đó?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Vấn đề ở đây là, khi đưa thông tin lên mạng thì cơ chế nào có thể ràng buộc người ta về nghĩa vụ tài chính. Người Việt thường có thói quen khi sau khi có thông tin trên mạng, người mua tìm đến người bán, và khi họ gặp nhau rồi thì lại quên mất việc phải trả chi phí cho thông tin mà họ có từ những sàn giao dịch ảo đó, vì không có quy định nào buộc người ta phải trả chi phí cho người tổ chức mạng. Thiếu những ràng buộc về tài chính khiến các "sàn ảo" của Việt Nam không sống được.
- Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả thông tin về mua bán BĐS với thị trường Việt Nam hiện nay và lời khuyên cho người tiêu dùng là gì?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Thị trường BĐS ở nước ta còn đang "phôi thai", các dịch vụ hỗ trợ thị trường còn rất yếu, kể cả dịch vụ tài chính và pháp lý. Chúng ta rất cần những công ty làm nhiệm vụ môi giới một cách nghiêm túc, trọn gói, từ giới thiệu địa điểm, giá cả, đến các mặt phong thủy. Đây là một thị trường hứa hẹn sẽ rất phát triển, nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Còn về phía người tiêu dùng thì phải dựa vào kinh nghiệm của mình để biết trung tâm nào là uy tín để tiến hành giao dịch BĐS. Tôi nghĩ rằng điều này là không khó vì khi thị trường phát triển, bản thân nó sẽ chính là "bộ máy thanh lọc", chỉ ra trung tâm nào là uy tín. Hơn nữa, chính sách của Chính phủ có thể hỗ trợ cao nhất các trung tâm khi hoạt động tốt dịch vụ giao dịch này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo VEF