Đất “đắp chiếu”
Đô thị vệ tinh được dựng lên đẹp như mơ trong buổi triển lãm quy hoạch khiến người dân thủ đô nức lòng. Những tưởng, nhờ thế, giá đất ngay sau đó tại Sóc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai… sẽ tăng lại sau chuỗi ngày ảm đạm. Cứ ngỡ rằng, sẽ có rất nhiều người hối hả đến các đô thị vệ tinh mua đất…
San sát các biển môi giới đất đai mọc lên ở các đô thị vệ tinh.
Dọc con đường đi vào trung tâm công nghệ cao Láng Hòa Lạc – Khu đô thị Hòa Lạc, nhà nào cũng thấy trưng biển 'Tư vấn – Mua bán Bất động sản'.
Tỏ rõ vẻ vui mừng tiếp đón chúng tôi sau bao ngày trưng biển để đấy, một cò đất tại xã Tân Xã (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Không được như khi quy hoạch Hà Nội mở rộng công bố năm 2009 để lấy ý kiến người dân, thị trường ở thời điểm này vẫn không có nhiều biến động. Trong cơn sốt đất trước kia dù có đặt cọc cũng chưa chắc chắn, có khi chậm thu xếp tiền là bị đánh tháo, còn bây giờ có thể thoải mái dẫn đi xem đất rồi từ từ quyết định. Đến cả tháng nay, mỗi tuần cũng chỉ có một vài người đến hỏi xem đất”.
Theo chân cò đất lòng vòng quanh khu đô thị Hòa Lạc, khảo sát qua giá đất tại đây với mảnh đất khoảng gần 2000m2 cách đường 419 chỉ khoảng 300m, trước có giá 8 triệu/m2 thì nay được rao bán với giá 6,8 triệu/m2, một mảnh đất vuông vắn khá đẹp trong làng từ 6 – 7 triệu nay cũng chỉ còn 5,3 triệu/m2.
Cò đất phân trần: “Thời điểm này mua là được, giá cả vẫn còn khá ổn định và hợp lý vì nhiều nhà đầu tư BĐS ở Hà Nội trước kia đang muốn bán tháo đất và thời điểm công bố quy hoạch mới của Hà Nội đúng lúc mưa bão nên họ cũng chưa lên nhiều”. Và không quên dự đoán: “Chắc chỉ trong thời gian ngắn nữa thị trường đất đai sẽ có biến đổi. Chưa biết đất lại sốt cũng nên”.
Trách quy hoạch mua đất…nghĩa địa
Việc công bố công khai cho người dân về việc quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội lần này đã tạo ra tâm lý minh bạch ngay từ đầu cho người dân. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của nhiều người thì không phải ai cũng biết về việc quy hoạch.
Theo biển chỉ dẫn của một biển báo Môi giới – Tư vấn bất động sản ngay trên đại lộ Thăng Long, chúng tôi tìm đến trung tâm của hai vợ chồng nông dân.
Mảnh đất được giao bán nằm cách đại lộ Thăng Long chỉ khoảng 200m được giao bán với giá 10 triệu/m2 chưa có sổ đỏ. Tuy nhiên, khi hỏi thông tin về việc Quy hoạch chung xây dựng vừa được công bố thì hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười: “Cái này chúng tôi cũng chưa được thấy”.
Quy hoạch trưng ra đẹp như mơ nhưng thị trường BĐS vẫn im ắng.
Mặc dù vậy, để đảm bảo cho mảnh đất của mình, anh chồng khẳng định: “Quy hoạch hay không quy hoạch tôi cũng chưa rõ, nhưng chị có thể yên tâm mảnh đất này sẽ không bị giải tỏa vì ngay sau đó là nghĩa địa. Mà đã là đất nghĩa địa thì không đáng lo”.
Qua cửa thông tin của một chân rết, chúng tôi mới được gặp một cò đất có thâm niên trong nghề với hơn 10 năm “tư vấn”.
Khác với kiểu manh mún, nhỏ lẻ của cặp vợ chồng “cò’ nông dân, cò này tỏ ra khá chuyên nghiệp với những thông tin rành rẽ về đường, công trình quy hoạch vành đai xanh cũ.
Sau khi đưa chúng tôi đi xem các mảnh đất từ trăm triệu tới tiền tỉ, đến khi chúng tôi ra về hẹn vài ngày quay trở lại xem thêm để quyết định, cò hồ hởi không quên dặn lại: “Nếu chị đã có bản quy hoạch quy cụ thể xây dựng chung của thủ đô lần này thì lần sau lên mang cho tôi xin. Để nghiên cứu cụ thể hơn cho khách hàng”.
Và dù biết nhiều hay biết ít, nhưng trong thế giới của cò vẫn có những mánh cùng những chiêu để phất lên cùng đất, kể cả khi thị trường bất động sản tưởng dường như đang ế ẩm nhất.
Theo Vietnamnet