Đó là những ý kiến được ông Trần Ngọc Chính, Ủy viên Ban chỉ đạo Quy hoạch và xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ với PV Laodong.com.vn và báo giới bên lề Hội nghị Quy hoạch Hà Nội – Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tổ chức ngày 10.9.
- Xin ông cho biết sự tương hỗ giữa phát triển quy hoạch và thị trường BĐS?
Thị trường tác động quan trọng tới việc tổ chức hoạt động xây dựng như thế nào. Nói cách khác, quy hoạch có tác động tới thị trường BĐS.
Trong công tác quy hoạch bao giờ cũng phải xem xét không gian quy hoạch, nghĩa là đô thị đó phải khai thác được tài nguyên thiên nhiên, nếu nói đến Hà Nội thì đây là thủ đô của đất nước có 3 chức năng: hành chính – chính trị, trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật và giao dịch quốc tế. Đây là khu vực được đầu tư ở nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn phòng, trường học, nhà ở… mà vấn đề thị trường BĐS nhà ở đang nóng bỏng nhất hiện nay bởi tập trung lượng cán bộ, dân cư đô thị lớn.
Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chung HN thì phải dựa vào quy hoạch đã có của Hà Nội, từ đó phát triển ra. Do đó, phải có tổ chức để khai thác triệt để không gian cảnh quan, có tác động phát triển đô thị. Nghĩa là, phải lựa chọn những điểm xây dựng, khu nào là khu đô thị, khu nào là trường học… phải có cơ cấu trong tổ chức không gian. Vì thế, quy hoạch đi trước một bước là việc sống còn phát triển đô thị bền vững nên có tác động mạnh tới thị trường BĐS.
Thị trường BĐS từ nay đến cuối năm được chuyên gia nhận định sẽ ấm lên.
- Quy hoạch được phê duyệt thì các nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư như thế nào?
Trước đây. khi chưa có quy hoạch HN thì Hà Tây là của Hà Tây, Vĩnh Phúc là của Vĩnh Phúc… Thế nhưng , khi mở rộng HN thì HN có toàn bộ tỉnh Hà Tây, 4 xã của Lương Sơn (Hòa Bình) và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc). Như vậy có nghĩa sự đầu tư của các nhà đầu tư trước đây theo tinh thần kinh tế xã hội của từng địa phương, còn bây giờ khi đã có quy hoạch Thủ đô, đã được triển lãm thì nhà đầu tư cần theo dõi xem xét quy hoạch để xem trước đây mình đầu tư đã đúng vị trí chưa.
Khi xây dựng quy hoạch các nhà tư vấn thiết kế đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ đến quyền lợi các chủ đầu tư dự án. Họ đã đề xuất dự án nào phù hợp với quy hoạch chung thủ đô hoặc những dự án nào tương đối với quy hoạch Hà Nội cần có điều chỉnh cho phù hợp.
Riêng đối với Hà Nội, chúng ta đã có quy hoạch được duyệt đấy sẽ là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu tư đúng chỗ. Nhà đầu tư phải theo sát quy hoạch, đầu tư phải đúng quy hoạch vì quy hoạch đã đi trước 1 bước mà đầu tư không đúng quy hoạch thì như thế là thành “ảo”, “treo”.
- Đối với dự án đang triển khai xây dựng dở dang nhưng không nằm trong quy hoạch được duyệt, theo ông cần có biện pháp gì để đảm bảo cho cả chủ đầu tư và nhà đầu tư?
Dự án nào không nằm trong quy hoạch có nghĩa là sai quy hoạch, đương nhiên phải điều chỉnh, trước hết là không xây dựng. Để đỡ tốn kém cho chủ đầu tư, Chính phủ và địa phương phải có chính sách có nghĩa phải xem xét, đánh giá việc chủ đầu tư đang đầu tư đến đâu để có hỗ trợ thỏa đáng, hướng dẫn cho họ đến địa điểm mới phù hợp dự án mà người ta đang đầu tư.
Còn việc mà chủ đầu tư đã phải bỏ tiền ra thì đó là sự rủi ro, Nhà nước nên xem xét để có sự bù đắp phần nào khó khăn cho họ.
- Thị trường BĐS từ giờ đến cuối năm ông nhận định sẽ diễn biến thế nào?
Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn thảo đặc biệt Bộ xây dựng đã đưa ra nhiều khiến nghị tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển tốt hơn. Vì vây, tôi nghĩ từ giờ đến cuối năm, tình hình thị trường BĐS sẽ ấm trở lại. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể đầu tư bằng vốn từ đất là cái quan trọng để thị trường tốt hơn.
Nhà đầu tư nên bình tĩnh, làm gì cũng nên chắc chắn. Tốt nhất nên đầu tư đúng quy hoạch và theo từng quy mô, khả năng của mình để có thể lựa chọn dự án.
Theo Lao động