Cổ phiếu bất động sản dồn dập sóng
Sự chuyên nghiệp hơn của DN địa ốc sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu bất động sản về dài hạn. Ảnh: An Thư |
Trong thời gian từ ngày 10/5 trở về trước, sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu bất động sản giúp thị trường có một giai đoạn tăng điểm khá ấn tượng. Trong một số phiên giao dịch gần đây, thị trường lại đổ dốc mạnh, mà nguyên nhân chính là trào lưu xả hàng từ nhóm cổ phiếu bất động sản.
Rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã có chu kỳ tăng giá mạnh, nhưng sau đó đã rớt giá thê thảm chỉ trong vài phiên giữa tháng 5.
Từ đầu tháng 4, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tăng đều từ khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu lên 32.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã tuột dốc trong mấy phiên vừa qua và hiện dao động quanh 28.000 đồng/cổ phiếu.
Thông tin liên quan đến cổ phiếu HAG là mới đây, Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), đã ký hợp đồng bán 100.000 tấn tinh quặng sắt cho Tập đoàn Hoà Phát với tổng trị giá trên 171 tỷ đồng. Thời gian giao hàng đến hết năm 2012. Năm 2012, HAG sẽ tập trung khai thác và chế biến quặng sắt tại mỏ Kbang ở Gia Lai và mỏ Môrai ở Kontum. Dự kiến, sản lượng năm 2012 là 300.000 tấn quặng tinh. Ngoài ra, HAG lắp đặt thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa mỏ tại Lào vào khai thác trong quý IV năm nay.
Cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng là một trong những cổ phiếu tăng nhanh, nhưng giảm cũng sâu. Từ đầu tháng 4, CII đã tăng từ mốc 28.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 42.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, cổ phiếu này rơi thẳng đứng, xuống chỉ còn 35.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, CII vừa ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tổng giá trị cấp tín dụng tối đa là 375 tỷ đồng. Số tiền này được CII vay để góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Cầu Sài Gòn, để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Sài Gòn 2. Thời hạn cấp tín dụng tối đa 7 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên. Lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả lãi sau của VCB + 3,6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn của VCB.
Cổ phiếu D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 cũng có một kịch bản tăng rất nhanh, mà giảm cũng rất mạnh. Chỉ từ đầu tháng 5, D2D đã tăng giá từ 17.000 đồng/cổ phiếu lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu và sau đó tuột trở lại mốc 19.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong khoảng 3 phiên giao dịch gần đây. Ngày 30/5 tới, D2D sẽ thực hiện việc chia cổ tức cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Nhận định về diễn biến giá cổ phiếu bất động sản thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, một số thông tin vĩ mô tích cực giúp dòng tiền dồn vào nhóm cổ phiếu, nhưng sau đó, một số nhà đầu tư đã “no nê” sau một chu kỳ tăng giá khá nóng, nên đã xả hàng để chốt lời.
Giai đoạn trước, một số thông tin vĩ mô hỗ trợ như lãi suất, thanh khoản ngân hàng, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp... đã có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Tuấn Đương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Licogi 13 cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhu cầu phát triển bất động sản vẫn rất lớn và sẽ sớm sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo ông Đương, thời gian tới, thị trường sẽ có một số thay đổi, hướng đến người có nhu cầu nhà ở thực sự. Theo đó, các phân khúc nhà cho công nhân, nhà chính sách, nhà cho người thu nhập thấp và trung bình… sẽ phát triển. Ngoài ra, phân khúc nhà cho thuê cũng có nhiều tiềm năng.
Xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản hoạt động chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp sẽ phải tính phân khúc thị trường phù hợp, nâng cao trình độ quản lý, cải tiến công nghệ thi công, nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu mới, năng lực quản lý tiến độ tốt hơn... Điều này sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu bất động sản về dài hạn.
Theo Báo Đầu Tư