Hướng đi chính giải bài toán nhà ở tại VN
Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê được coi là hướng đi chính để giải bài toán nhà ở tại Việt Nam hiện nay. |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trong tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo đã chỉ rõ, tình trạng trầm lắng trên thị trường hiện nay là hệ quả của một quá trình không phản ánh đúng bản chất cung – cầu nhà ở.
Khẳng định nhu cầu nhà ở thực sự vẫn đang ở mức cao và không thể đáp ứng ngay được, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cần sớm xem xét, ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho thuê, coi đây là hướng đi chính để giải bài toán nhà ở. Trước hết, chính sách này hướng tới giải quyết cho các đối tượng công nhân, sinh viên, viên chức với sự mở rộng về đối tượng kinh doanh, chặt chẽ về tiêu chuẩn, điều kiện nhà ở cho thuê.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp, mô hình mới đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho thuê nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Các Bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu các giải pháp, mô hình mới như hình thành các doanh nghiệp chuyên trách xây dựng nhà ở cho thuê, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho thuê.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chuẩn nhà ở cho thuê.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển, phát triển nhà ở cho thuê là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề nhà ở tại khu vực đô thị. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người thuê nhà chiếm 32%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 3%, tại Đức tỷ lệ người thuê nhà ở tới 57% trong đó thuê nhà xã hội 6%, Pháp tỷ lệ thuê nhà ở 38%, trong đó nhà xã hội là 16%...
Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, nhưng trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp mới chỉ chủ yếu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, kể cả bán cho các đối tượng xã hội với mục đích nhằm thu hồi vốn nhanh mà không chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê.
Qua thống kê cho thấy, quỹ nhà ở cho thuê hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với số hộ dân có sở hữu nhà ở (tính chung cả nước, tỷ lệ nhà cho thuê chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân có sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chỉ chiếm 14%, TP.HCM chiếm 19%, các đô thị loại I chiếm 4-6% và các đô thị còn lại chiếm khoảng 4%).
Nhiều giải pháp thu hút nguồn lực
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị.
Theo dự thảo, việc phát triển nhà ở cho thuê được thực hiện theo 2 hình thức: Nhà nước trực tiếp đầu tư vốn từ ngân sách để xây dựng nhà ở cho thuê và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế bỏ đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê nhưng được Nhà nước hỗ trợ (gọi là nhà ở xã hội để cho thuê); các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê theo cơ chế thị trường, không có sự ưu đãi của Nhà nước (gọi là nhà ở thương mại cho thuê).
Để có cơ sở đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho thuê tại các địa phương, dự thảo quy định UBND cấp tỉnh phải đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở cho thuê vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phải lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cho thuê hàng năm, 5 năm và dài hơn phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (trong đó nêu rõ diện tích sàn, số lượng nhà ở, quỹ đất xây dựng nhà ở cho thuê, dự kiến số lượng người có nhu cầu thuê, bình quân diện tích nhà ở cho thuê đầu người…).
Để có quỹ đất phát triển nhà ở cho thuê, UBND các tỉnh khi lập quy hoạch xây dựng các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, KCN phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở cho thuê.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê, dự thảo đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi. Cụ thể: đưa hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê vào danh mục được ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư; các chủ đầu tư được hưởng các ưu đãi như: được miễn tiền sử dụng đất; được miễn, giảm thuế thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà ở; được vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất khi vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, được vay vốn từ các Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tiết kiệm nhà ở (nếu có); được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành; được sử dụng tầng 1 nhà chung cư để kinh doanh thương mại nhằm giảm giá cho thuê nhà ở…
Đặc biệt, dự thảo quy định sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày bàn giao đưa nhà ở vào sử dụng cho thuê, chủ sở hữu nhà ở thương mại cho thuê được quyền bán nhà ở cho thuê và khi đó những trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho thuê sẽ chỉ phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá quy định cho Nhà nước.
Nếu tiếp cận được quỹ nhà cho thuê với giá hợp lý, chất lượng ở tốt, người dân chắc chắn sẽ thay đổi quan điểm, thói quen về nhà ở và sở hữu nhà. Bởi vậy, Nghị định này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực để tạo ra quỹ nhà ở cho thuê, giúp người dân đô thị cải thiện chỗ ở.
Theo Website Chính Phủ