Cần bỏ khung giá đất!
Trăm sự tại “giá thị trường”
Để giá đất phản ánh đúng giá thị trường cần phải bỏ khung giá đất và cho phép UBND cấp tỉnh được công bố bảng giá đất mỗi năm nhiều lần khi thị trường có sự thay đổi Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa |
Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa - cho biết UBND các tỉnh bao nhiêu năm nay dù biết là giá đất thấp xa so với thị trường nhưng vẫn cứ ban hành. Tại Khánh Hòa, giá đất giao dịch nhiều nơi lên đến 200 triệu đồng/m2; giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng 48 triệu đồng/m2, trong khi giá đất tối đa là 18 triệu đồng/m2. Nguyên nhân của sự bất cập trên, theo ông Long, do Nghị định 123/2007/NĐ-CP quy định giá đất tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 67,5 triệu đồng/m2, tại đô thị loại 1 là 42,5 triệu đồng/m2, tại đô thị loại 2 là 30 triệu đồng/m2… “Ai cũng biết mức giá này thấp xa so với thị trường nhưng cũng chỉ có quyền tăng vượt khung 20%. Vì vậy, để giá đất phản ánh đúng giá thị trường cần phải bỏ khung giá đất và cho phép UBND cấp tỉnh được công bố bảng giá đất mỗi năm nhiều lần khi thị trường có sự thay đổi”, ông Long kiến nghị.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ chỉ ra rằng, theo quy định hiện nay khi ban hành bảng giá đất, khung giá đất của UBND tỉnh phải phù hợp với thị trường, nhưng trên thực tế lại khác xa nhau một trời một vực. Còn về định giá, do không có cơ sở dữ liệu được gọi giá thị trường, vì vậy trên tất cả hợp đồng chuyển nhượng ghi một giá để trốn thuế, nhưng vẫn được cơ quan thuế công nhận. “Tôi đi nộp thuế mấy lần, cán bộ thuế còn khuyên ghi giá thấp hơn nữa nếu không anh thiệt đấy. Rõ ràng khi để giá thấp hơn, trách nhiệm làm thất thoát là do UBND cấp tỉnh, thế nhưng từ trước tới nay chả ai làm sao cả”, ông Võ nói.
Tới đây các bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho phép khi sửa luật Đất đai bỏ khung, giữ lại bảng giá của UBND nhưng tăng thêm các vị trí, các lô - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Bỏ khung giá đất
Theo ông Phạm Đình Cường, quy định khung giá đất được đặt ra do trước kia lo ngại UBND các tỉnh chập chững ban hành giá đất, Chính phủ sợ không phù hợp nên phải có bảng giá chung để cân đối hài hòa giữa các tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại tình hình đã thay đổi, bảng giá đất tại các tỉnh khác nhau, nếu gộp chung vào một khung giá của Chính phủ sẽ dẫn tới bất cập. “Cái gì khung mà quy định chung cũng không phù hợp, giá đất Hà Nội cao nhất 81 triệu đồng/m2 là quá thấp, trong khi UBND TP.Hà Nội ban hành không vượt quá được”, ông Cường nói. Vì vậy, theo ông Cường, tới đây các bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho phép khi sửa luật Đất đai bỏ khung, giữ lại bảng giá của UBND nhưng tăng thêm các vị trí, các lô, cắt nhỏ mục đích… để bảng giá là căn cứ chủ yếu quyết định giá thị trường.
Liên quan đến khả năng khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án lấy ý kiến các bộ, ngành.
Phương án 1, Bộ sẽ căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, giá đất bình quân do nhà nước đang điều hành thu hiện nay và chính sách thu hiện tại, tổng số thu ngân sách từ đất bình quân khoảng 81.646 tỉ đồng/năm.
Phương án 2 sẽ căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, chính sách thu hiện hành, giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản, tổng số thu ngân sách từ đất bình quân là 98.624 tỉ đồng/năm.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn lực tài chính khai thác từ đất đai tập trung vào NSNN trong cả giai đoạn 2011-2020 là rất lớn. Trên thực tế số thu này có thể còn cao hơn vì giá đất dự tính thu cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất.
Theo Thanh Niên