Bán nhà thời khó khăn
Săn sản phẩm phù hợp có chất lượng tốt, chủ đầu tư uy tín, thương lượng với chủ đầu tư để có mức giá tốt nhất, thậm chí chấp nhận giảm lãi, ứng tiền đặt cọc cho khách hàng... là những cách thức mà các sàn giao dịch đang áp dụng để níu chân khách hàng trong thời điểm bất động sản cung vượt xa cầu.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khách hàng mua đất đã thực sự trở thành thượng đế. |
Khách hàng là thượng đế
Mới đây, Sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang đã tạm ứng 50 triệu đồng để đặt cọc, giúp khách hàng giữ chỗ mua căn hộ tại Dự án Tân Tây Đô. “Khách tìm được căn hộ có hướng hợp tuổi, giá thấp hơn cả giá của chủ đầu tư, nhưng kẹt nỗi chưa xoay được tiền để đặt cọc. Vậy là Sàn phải ứng tiền để đặt cọc giúp, đồng thời, giúp khách hàng hoàn thành các thủ tục pháp lý từ A - Z”, Giám đốc Sàn Thái Minh Quang chia sẻ.
Trao đổi với PV, nhân viên tại nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội đều có chung nhận định, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khách hàng mua đất đã thực sự trở thành thượng đế. Và để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thượng đế, nhiều sàn đã phải đầu tư công sức ngay từ khâu tìm nguồn hàng. Ví dụ, các sàn đang “săn” loại căn hộ nhỏ, giá rẻ, triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là sắp bàn giao, hay đất thổ cư có diện tích nhỏ, giá chỉ từ 2 - 3 tỷ đồng/nền và có “sổ đỏ”, phục vụ cho nhu cầu chỗ ở thực của khách hàng.
Mặc dù xác định được những sản phẩm thị trường đang có nhu cầu thực, nhưng để môi giới thành công, theo các sàn, cũng không phải là điều dễ. Bởi lẽ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp hoặc các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán cắt lỗ bằng mọi giá nên giá rẻ hơn rất nhiều so với mức giá chủ đầu tư đưa ra.
Vì vậy, để bán được hàng, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải thay khách hàng đứng ra đàm phán với chủ đầu tư về giá cả, chất lượng vật tư thiết bị, thiết kế… Đặc biệt, trong nhiều trường hợp còn điều chỉnh cả nội dung hợp đồng do chủ đầu tư đã soạn thảo trước đó để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, điều mà chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay trên thị trường bất động sản, bởi đa phần các hợp đồng đều đưa ra những quy định có lợi cho chủ đầu tư.
Chấp nhận lãi ít
Chấp nhận lãi ít nhưng duy trì được hoạt động của sàn để chờ thị trường hồi phục hiện đang là phương châm hoạt động của nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội. Theo số liệu thống kê không chính thức, đến nay, có hơn 80% các nhà môi giới bất động sản đã chuyển nghề. Số còn lại dù rất yêu nghề và xác định sẽ gắn bó lâu dài với thị trường bất động sản nhưng cũng đang phải xoay xở đủ kiểu để tồn tại. Một trong những cách để tồn tại của các môi giới bất động sản là tiết giảm hoa hồng và chăm sóc khách hàng nhiệt tình, chu đáo hơn.
Nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Mỹ Đình cho hay, hiện mỗi giao dịch thành công, chị chỉ nhận được hoa hồng cao nhất là 20 triệu đồng, trong nhiều trường hợp, con số này chỉ từ 3 - 5 triệu đồng. “Có còn hơn không”, chị cho biết, hoa hồng đã thấp nhưng nhiều khi phải chiều lòng khách bằng cách đưa đi xem nhà đất ở nhiều nơi cho đến khi khách hàng chọn được hàng ưng ý mới thôi. Ngoài ra, chị còn phải giúp khách hoàn thiện thủ tục sang tên “sổ đỏ”, chỉ mong giữ được các mối quan hệ với chủ đầu tư và khách hàng.
Một nhân viên sàn giao dịch bất động sản tại đường Phạm Hùng cho biết, trước kia, nếu khách hàng bỏ cọc thì coi như mất tiền, nhưng nay nếu đã đặt cọc nhưng sau đó không xoay đủ tiền để nộp, xin rút lại tiền, sàn giao dịch đứng ra đàm phán với chủ đầu tư xin rút tiền về. Mặc dù chưa lấy được tiền ngay, nhưng sàn vẫn quyết định ứng tiền trả trước để giữ khách.
Cá biệt có trường hợp mua lại căn hộ của nhà đầu tư thứ cấp, mặc dù nhà đầu tư thứ cấp đã nộp đến 70% giá trị hợp đồng với chủ đầu tư, nhưng sàn giao dịch đã phải thương lượng cho khách hàng chỉ phải nộp 30% sau khi ký hợp đồng, số còn lại được giãn đến 6 tháng sau mới phải nộp. Mặc dù đang rất cần tiền, nhưng nhà đầu tư thứ cấp vẫn phải chấp nhận giãn tiến độ nộp tiền cho khách hàng bởi nếu không thì cũng chẳng bán được hàng.
Theo ĐTCK