Vỡ mộng đón đầu quy hoạch
Ngồi chơi, xơi nước
Không ít người vẫn kỳ vọng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 sẽ tạo ra cú hích đối với thị trường bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi Quy hoạch được công bố, thị trường vẫn không có bất cứ biến chuyển tích cực nào. Những khu vực được cho là sẽ “nóng” trở lại như Hà Đông, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai... vẫn im như thóc đổ bồ.
Suốt dọc trục đường 32, một trong 3 trục đường bất động sản “nóng” nhất Hà Nội vài năm trở lại đây, từ huyện Từ Liêm tới thị xã Sơn Tây, có tới hơn 100 “trung tâm”, “văn phòng” môi giới, dịch vụ nhà đất. Thế nhưng, những ngày đầu tháng 9-2011, khảo sát dọc trục này cho thấy, trong 10 “trung tâm” thì có tới 8 cái đóng cửa im ỉm.
Ghé vào một “trung tâm” còn mở cửa ở gần thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), chúng tôi chỉ thấy một nhân viên tên Thanh đang ngáp dài ngồi trông chiếc xe máy duy nhất dựng ở cửa.
Hỏi tình hình thị trường, Thanh thủng thẳng: “Toàn ngồi chơi xơi nước chứ có ma nào hỏi đâu. Cả ngày chỉ vài cuộc điện thoại khảo giá đất dự án, xem lên xuống thế nào thôi. Đầu năm, chỗ em còn 4 nhân viên, giờ chỉ còn em trông cửa hàng, những người khác ở nhà tìm việc khác...”.
Lại hỏi “Sau khi Quy hoạch Hà Nội được công bố, số người hỏi mua đất có tăng không”, Thanh cười bảo: “Anh chả hiểu gì. Người ta phải mua đón đầu quy hoạch chứ. Ai mua cũng mua rồi. Giờ thị trường như thế, tiền thì cạn nên người mua đầu tư ít lắm. Khách có nhu cầu ở thì họ tìm mua trong làng chứ mấy dự án thì sao đã ở được.
Đi tiếp lên tới gần thị xã Sơn Tây, chúng tôi được một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết, giờ rất hiếm người về trung tâm huyện hỏi mua đất. Họa hoằn mới có giao dịch mua đi bán lại của chính người địa phương.
Ông này phân tích, những nét chính của Quy hoạch chung được công bố không khác gì mấy với những dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến từ hơn 1 năm trước, cộng thêm thị trường đang rớt sâu do siết chặt tài chính, tín dụng nên giao dịch không thể khởi sắc lên nổi.
Hết thời đón lõng quy hoạch
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Vũ Xuân Thiện thừa nhận, tình hình thực tế cho thấy, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 chưa tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Chuyên gia này cho biết, sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải triển khai tiếp như lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thực hiện cụ thể quy hoạch vào thực tế thì mới có tác động tích cực vào thị trường bất động sản.
Ông Vũ Xuân Thiện còn nói, giới đầu tư không mặn mà với Quy hoạch chung một phần vì những lần “trượt vỏ chuối’ trước đây khi tổ chức “đón lõng” quy hoạch. Cơn sốt đất bộc phát chỉ kéo dài chừng 45 ngày hồi tháng 4-2010 ở Thạch Thất, Ba Vì là ví dụ điển hình.
Có ý kiến còn “đổ tội” rằng, Quy hoạch chung được công bố đúng tháng 7 Âm lịch (tháng cô hồn) nên nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu hầu như không muốn giao dịch dù giá đã xuống thê thảm. Thế nhưng, nguyên nhân thực sự vẫn là nguồn vốn của các nhà đầu tư hầu như đã cạn kiệt, không còn hơi sức đâu để đầu tư.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, kiềm chế được lạm phát vào lúc nào thì thị trường bất động sản sẽ ấm lên lúc đó vì hiện nay bất động sản vẫn đang rất thiếu vốn do chính sách chống lạm phát. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán hiện mới là ưu tiên số một để ngân hàng giải cứu sau đó mới đến bất động sản. Vậy nên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên xác định tâm thế để tiếp tục đợi chờ...
Không phủ nhận ảnh hưởng của Quy hoạch chung tới bất động sản, song nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, nhà đầu tư phải tính toán một cách rất thận trọng xem nên bắt đầu vào từ đâu và bằng cách nào. Đáng tiếc, trong bối cảnh hiện tại, có rất ít nhà đầu tư có thể trả lời rõ ràng những câu hỏi này.
Theo An Ninh Thủ Đô