“Mở van” tín dụng nhà đất - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

“Mở van” tín dụng nhà đất - Tin thị trường - Bài viết

“Mở van” tín dụng nhà đất

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng khai thông vốn cho thị trường bất động sản là cần thiết nhưng cần có cơ chế kiểm soát để không gây tác động mạnh tới lạm phát

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp quản lý thị trường bất động sản (BĐS). Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khởi công mới nhưng tiếp tục cho vay các dự án nhà ở xã hội, cho dân vay mua nhà...

Ưu tiên vốn dự án thanh khoản cao


Bộ Xây dựng nhìn nhận giá BĐS, giá nhà ở tại Việt Nam hiện vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn; thiếu hàng hóa quy mô vừa và nhỏ phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, nhất là bộ phận lớn dân cư đô thị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận: Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ các ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở.

Dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là đối tượng được ưu tiên “mở van” tín dụng

Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị “Về một số giải pháp quản lý thị trường BĐS lành mạnh”. Trong đó, nổi bật là giải pháp về tín dụng, căn nguyên dẫn đến tình trạng “đóng băng” thị trường BĐS hiện nay. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các dự án đã xây xong phần thô đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, tăng tỉ trọng cho vay mua nhà để ở...

Bộ Xây dựng chỉ không đồng tình với việc cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án BĐS cao cấp (căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu đồng/m2 hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề).

Đề phòng bị lợi dụng


Trước đề xuất “mở van” tín dụng của Bộ Xây dựng đối với thị trường BĐS, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng chỉ nên giải ngân tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Ông Phong nhìn nhận về tổng thể thì giải pháp tăng cho vay mua nhà để ở sẽ có thêm cơ hội để người dân mua nhà và doanh nghiệp trên lĩnh vực BĐS bớt bị áp lực phải trả nợ; đồng thời giúp thị trường có thêm xung lực. Tuy nhiên, theo ông Phong, điểm quan trọng là tránh biến tướng và bị các đối tượng buôn bán, đầu cơ BĐS lợi dụng. Ông Phong đề nghị cần có cơ chế kiểm soát đối tượng vay và phạt nặng vi phạm…

Phân tích về đề xuất của Bộ Xây dựng, TS Nguyễn Minh Phong đề nghị ngoài dự án nhà ở xã hội, cần tiếp tục thắt chặt tín dụng với dự án BĐS. Nếu “mở” ra là sai từng “câu, chữ” so với Nghị quyết 11 của Chính phủ là hạn chế tín dụng đối với BĐS. “Bộ Xây dựng muốn làm khác thì phải chứng minh ngược lại” – ông Phong đặt vấn đề. Mặt khác, theo ông Phong, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ không cho vay tín dụng đối với dự án BĐS cao cấp thì rất mù mờ, khó xác định vì Việt Nam chưa có tiêu chí loại hàng hóa BĐS này. “Do vậy cũng khó kiểm soát việc cho vay có đúng là nhà ở thu nhập thấp hay là cao cấp” – ông Phong băn khoăn.

Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm, cũng ủng hộ mở tín dụng đối với dự án nhà thu nhập thấp vì có tính chất xã hội và không thể cào bằng như với chứng khoán, BĐS khác. Tuy nhiên, ông Kiêm đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng và công khai nếu không “mở” quá thì chắc chắn tác động mạnh tới lạm phát.

Hạn chế nhà ở cao cấp

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP kiểm soát đầu tư để có nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở. Ưu tiên phát triển nhà ở có diện tích trung bình (từ 70 m2 đến 90 m2) và diện tích nhỏ (dưới 70 m2) có giá bán hợp lý. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cần tăng tỉ lệ nhà chung cư cao tầng, bảo đảm tỉ lệ căn hộ nhà chung cư đạt trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120 m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới; phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng đề án nhà ở cho thuê giá rẻ và đề án quỹ tiết kiệm nhà ở, trình Chính phủ trong quý IV/2011.

 

 Theo Người Lao Động

 

 

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa