Vẫn cần mức trần phí dịch vụ chung cư
Theo TS Nguyễn Ngọc Điện, mức trần phí dịch vụ nhà chung cư là để bảo vệ cư dân khỏi bị chủ đầu tư chèn ép.
“Sở Xây dựng bảo lưu quan điểm không ban hành khung trần phí dịch vụ nhà chung cư như trong tờ trình UBND TP.HCM. UBND TP cũng đã đồng ý với quan điểm này” - ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết sau khi có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này (Pháp Luật TP.HCM ngày 23-12).
Sở Xây dựng TP: Mức giá trần khó khả thi
Ông Bền nói việc ban hành bảng giá phí dịch vụ nhà chung cư theo yêu cầu không khó, quan trọng là nó có khả thi, có hiệu quả hay không. “Giá cả thị trường thường xuyên thay đổi nên khung trần giá dịch vụ nhà chung cư sẽ nhanh chóng lạc hậu. Nếu cư dân và chủ đầu tư phát sinh tranh chấp, cơ quan nhà nước ban hành ra khung giá rất dễ bị kiện” - ông Bền đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông Bền cũng cho hay: Đối với một số dịch vụ cơ bản tại chung cư, cơ quan nhà nước sẽ ban hành khung trần. Còn những dịch vụ riêng biệt, cao cấp không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của cư dân thì giá cả do các bên tự thỏa thuận, Nhà nước không can thiệp.
Theo Sở Xây dựng, các tranh chấp về phí dịch vụ chung cư thường xuất phát từ những nguyên nhân: Chủ đầu tư “ôm” luôn việc quản lý chung cư thay vì bàn giao cho ban quản trị; chủ đầu tư không công khai minh bạch phí dịch vụ, không rạch ròi về sở hữu chung riêng. “Tuy nhiên, việc chủ đầu tư làm sai độc lập với việc Nhà nước ban hành phí dịch vụ nhà chung cư. Thậm chí, nếu Nhà nước ban hành mức phí không hợp lý có thể còn gây ra tranh chấp. Chẳng hạn, quận Bình Thạnh có một chung cư đang thu phí dịch vụ chỉ 150 đồng/m2/tháng. Nay nếu Nhà nước quy định chung cư hạng tư phải đóng 1.000 đồng/m2, ban quản lý chung cư thu theo giá đó thì sẽ phát sinh tranh chấp ngay” - một cán bộ của Sở Xây dựng nói thêm.
Theo TS Nguyễn Ngọc Điện, Nhà nước không thể để hai bên tự thỏa thuận phí chung cư trong bối cảnh cư dân chưa đủ bình đẳng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ảnh minh họa: HTD |
Cứ ban hành, đừng sợ bị kiện
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Điện, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, lại cho rằng việc ban hành quy định về mức trần phí dịch vụ nhà chung cư là tất yếu. “Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và cư dân vốn dĩ đã mang tính chất bất bình đẳng, thế yếu luôn thuộc về cư dân. Do đó, cần phải có công cụ để bảo vệ họ khỏi bị chủ đầu tư chèn ép” - ông nhận xét.
Ông Điện cho rằng tranh chấp về giá dịch vụ ở tòa nhà Keangnam (Hà Nội) vừa qua là một kinh nghiệm cho các địa phương. Cư dân Keangnam nhất định đòi nộp phí dịch vụ theo mức 4.000 đồng/m2 do TP Hà Nội đưa ra, trong khi chủ đầu tư cho rằng mức thu đó không đủ vận hành thang máy. “Bài học này nhằm giúp TP.HCM phải ban hành mức giá khả thi, hợp lý và phù hợp với mặt bằng chung” - ông Điện nhấn mạnh.
Để giải quyết những trường hợp tranh chấp như vụ Keangnam, ông Điện cho rằng đầu tiên chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm pháp luật. Cùng đó, cơ quan nhà nước cũng không thể vì sợ bị kiện mà không thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhà nước không thể để hai bên tự thỏa thuận phí chung cư trong bối cảnh cư dân chưa đủ bình đẳng trong mối quan hệ với chủ đầu tư.
Tùy loại hình chung cư
Đối với những chung cư mà toàn bộ diện tích thuộc về cư dân thì không cần khung trần do Nhà nước ban hành. Lý do là các cư dân có quyền định đoạt rất cao, không bị chủ đầu tư ép. Còn những tòa nhà phức hợp mà phần sở hữu của chủ đầu tư còn rất nhiều hoặc không rạch ròi thì nên có khung trần về phí dịch vụ.
Một thành viên BQT chung cư Ehome2, quận 9
Vẫn cần sự đồng thuận của cư dân
Không có chung cư nào giống chung cư nào, từ đó yêu cầu về dịch vụ cũng khác nhau, từng dịch vụ tại các chung cư cũng khác nhau. Nếu Nhà nước ban hành khung trần thì phải nêu rõ đây là quy định mở, vẫn cần có sự đồng thuận của cư dân.
Ông TĂNG HÀO KIỆT,Trưởng ban quản lý chung cư Thế kỷ 21
Theo Pháp Luật TP