“Chợ” bất động sản đìu hiu dịp cuối năm
Nhiều sàn bất động sản chọn cách đóng cửa để tiết kiệm chi phí |
Sàng lọc thị trường
Dạo một vòng qua các “chợ” BĐS từng nổi tiếng của Hà Nội như Nguyễn Thị Định, Lê Văn Lương kéo dài, Khu đô thị mới Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, đường Trần Thái Tông hay xa hơn như Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Quốc lộ 32 (Hoài Đức)…, điều không khó để nhận ra là sự vắng lặng của các sàn giao dịch, các văn phòng môi giới. Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Khu đô thị mới Trung Yên cho biết, đầu năm 2011, sàn giao dịch có gần 50 nhân viên thì đến nay chỉ còn hơn 10 người làm việc. Số nhân viên giảm nhanh như vậy không hẳn do sàn giao dịch cắt hợp đồng lao động, mà phần nhiều trong số đó là tự chấm dứt hợp đồng để chuyển sang làm công việc khác.
“Sàn cũng chỉ trả được lương cơ bản cho nhân viên, còn chủ yếu thu nhập là từ tiền hoa hồng khi bán được sản phẩm cho khách, nhưng mấy tháng nay gần như không bán được căn hộ nào, còn đất thổ cư thì chỉ giao dịch bằng 15% so với đầu năm”, vị giám đốc than thở và cho biết thêm, hiện những nhân viên còn lại chủ yếu là người nhà hoặc những nhân sự chất lượng, cần phải giữ chân, nên sàn đang cố gắng lo cho được tháng lương thứ 13 để nhân viên có Tết.
Ông Đỗ Quang Huy, Phó phòng kinh doanh Sàn giao dịch BĐS Hapulico cũng cho biết, những sàn giao dịch của các công ty như Hapulico hiện chủ yếu chỉ có hoạt động chăm sóc khách hàng và thu hồi công nợ, còn việc mua bán BĐS hầu như không có. Tuy nhiên, nhân viên các sàn này vẫn ổn định công việc nhờ có sự hỗ trợ từ công ty. Ông Huy cho biết thêm, các sàn giao dịch không có sự đỡ đầu, “bao cấp” của công ty chủ quản thì phần nhiều đã đóng cửa, hoặc nếu có mở cửa, nhân viên cũng không có lương.
Chia sẻ những khó khăn chung của đồng nghiệp, nhưng ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam cho biết, trong tháng 12/2011, Sohovietnam vẫn thực hiện thành công 5 giao dịch BĐS, chủ yếu ở mức giá từ 2 đến 3 tỷ đồng. Theo ông Cần, bối cảnh khó khăn này chính là dịp để thị trường có sự sàng lọc, lựa chọn ra những nhà môi giới tâm huyết và có năng lực với BĐS, đồng thời những người có nhu cầu thực sẽ có điều kiện lựa chọn được những sản phẩm phù hợp hơn với khả năng tài chính của mình.
“Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, chúng tôi đã quy tụ được hơn 200 nhà môi giới BĐS. Đây sẽ là lực lượng hùng hậu để phát triển công ty khi thị trường hồi phục trở lại”, ông Cần tin tưởng nói.
Cơ hội minh bạch hóa thị trường
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình giao dịch BĐS, kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch và không thông qua sàn giao dịch đều chững lại trong năm 2011, đặc biệt là trong quý III/2011.
Tại TP. HCM, trong quý III/2011, thành phố chỉ có khoảng 500 giao dịch thành công. Còn tại Hà Nội, trong quý III/2011 cũng chỉ có khoảng 900 giao dịch thành công. Bộ Xây dựng nhìn nhận, tại thị trường TP. HCM, giao dịch mua, bán nhà ở đóng băng, do người dân không thể vay vốn ngân hàng hoặc không muốn vay do lãi suất quá cao và do tâm lý chờ đợi thị trường tiếp tục giảm giá. Tại thị trường Hà Nội, tình hình khả quan hơn, những dự án có vị trí tốt, giá bán hợp lý vẫn có giao dịch.
Đánh giá về hoạt động của các sàn giao dịch BĐS hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, các sàn giao dịch BĐS tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp, đội ngũ các nhà môi giới, tư vấn, định giá BĐS còn thiếu chuyên nghiệp.
Theo ông Hà, cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán