Tranh chấp quỹ bảo trì tại chung cư Ehome 2
Chung cư Ehome Đông Sài Gòn 2 (Ehome 2) đã đưa vào sử dụng gần 2 năm, nhưng hiện chưa có bất kỳ hợp đồng quản lý vận hành hay bảo trì đối với công trình xây dựng và các hệ thống thiết bị.
Chung cư Ehome 2. Ảnh: Thanh Vy |
Tình trạng này xuất phát từ việc chủ đầu tư là CTCP Phát triển căn hộ Nam Long (Nam Long) chậm trễ bàn giao hồ sơ công trình và quỹ bảo trì chung cư.
Chiếm dụng quỹ bảo trì?
Cụm chung cư Ehome 2 gồm 5 lô chung cư với 604 căn hộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 11-2010. Hiện có trên 400 hộ dân chuyển đến sinh sống ổn định. Mới đây, Ban quản trị (BQT) chung cư Ehome 2 có đơn phản ánh với ĐTTC rằng việc Nam Long chiếm dụng tiền quỹ bảo trì (khoảng 10 tỷ đồng) đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, đe dọa tính mạng và sự an toàn của toàn bộ cư dân sinh sống tại chung cư.
Cụ thể, các thang máy và máy phát điện dự phòng không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Hệ thống chữa cháy và các thiết bị chữa cháy đã quá hạn kiểm định nhưng chưa được bàn giao để quản lý, vận hành và ký hợp đồng bảo trì với các đơn vị có chức năng. Không ký hợp đồng quản lý vận hành nhà chung do chưa tiếp nhận được các công trình sở hữu chung của chung cư.
Theo trình bày của ông Nguyễn Sanh Phát, Trưởng BQT chung cư, tháng 10-2011, Hội nghị nhà chung cư Ehome 2 lần thứ nhất được tổ chức bầu ra BQT chung cư hợp lệ. UBND quận 9 đã ban hành Quyết định 12/QĐ/UBND công nhận BQT gồm 11 thành viên do ông Nguyễn Sanh Phát làm trưởng ban.
Tháng 4-2012, Hội nghị nhà chung cư lần hai được tổ chức để thông qua Quy chế tổ chức hoạt động của BQT và Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư. Ngay sau khi thành lập, BQT tiến hành mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Thủ Đức dưới tên chủ tài khoản là BQT chung cư Ehome 2 với 2 người đứng tên đại diện là ông Nguyễn Sanh Phát (trưởng ban) và bà Đào Thị Lượng (thành viên đại diện do BQT cử ra) để tiếp nhận và quản lý quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 20 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ Xây dựng.
Mặt khác, Sở Xây dựng TPHCM cũng đã có công văn gửi Nam Long hướng dẫn về việc quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Theo đó, đối với kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho BQT.
BQT quản lý tài khoản kinh phí bảo trì với hình thức đồng chủ tài khoản để quản lý và sử dụng tài khoản kinh phí này theo quy định của pháp luật về tài chính. “Ngày 22-4-2012, BQT chung cư và Nam Long tổ chức cuộc họp để bàn giao quản lý sử dụng cụm nhà chung cư Ehome 2 với sự tham gia của toàn bộ thành viên BQT, đại diện của UBND và Công an phường Phước Long B.
Tuy nhiên, phía Nam Long không có người đại diện hợp pháp để thực hiện việc bàn giao nên cuộc họp không thể thực hiện được. Ngay sau cuộc họp bàn giao không thành, BQT tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Nam Long thực hiện nghiêm túc việc bàn giao hồ sơ công trình và quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư cố tình thoái thác bằng những lý do không hợp lý như chờ hướng dẫn của UBND quận 9, tài khoản tiền gửi không hợp lệ” - ông Phát bức xúc.
Yêu sách ngược đời
Theo ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng giám đốc Nam Long, tháng 4-2012, chủ đầu tư đã chủ trì tổ chức cuộc họp với BQT và đại diện cơ quan quản lý nhằm bàn giao tài liệu liên quan đến quá trình quản lý, vận hành chung cư; các trang thiết bị phần sở hữu chung của nhà chung cư; báo cáo số tiền đã thu của các hộ dân dành cho việc bảo trì, quản lý vận hành chung cư.
Trong cuộc họp này, BQT đồng ý tiếp nhận bàn giao phần hồ sơ tài liệu kỹ thuật, phần sở hữu chung từ chủ đầu tư. Riêng về quỹ bảo trì, do chủ đầu tư chưa nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ BQT nên tạm thời chưa chuyển khoản quỹ bảo trì cho BQT. Do đó, BQT đã đề ra ý kiến sẽ ký nhận bàn giao tất cả các hồ sơ tài liệu, phần sở hữu chung cùng với thời điểm nhận được quỹ bảo trì về tài khoản của BQT.
Ngày 27-4-2012, chủ đầu tư nhận được công văn của BQT, đề nghị chuyển khoản kinh phí bảo trì để BQT quản lý. Sau khi xem xét các tài liệu đề nghị chuyển khoản, chủ đầu tư nhận thấy yêu cầu mở tài khoản của BQT là không rõ ràng, bản chất là tài khoản cá nhân, không phù hợp Khoản 1, Điều 20 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, và chưa phù hợp với quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ngày 8-5-2012, chủ đầu tư đã gửi Công văn 199/CV/NLADC-2012 nêu rõ, trong thời gian chờ sự hướng dẫn của Sở Xây dựng và UBND quận 9, chủ đầu tư sẽ tạm thời quản lý quỹ bảo trì (bao gồm cả tiền lãi phát sinh với lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng đến ngày 30-4-2012 và tiền lãi phát sinh có kỳ hạn theo lãi suất của ngân hàng thương mại, kể từ ngày 1-5-2012) theo hình thức thu hộ, chi hộ các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến phần sở hữu chung cụm chung cư Ehome 2.
Trao đổi với ĐTTC, Luật sư Nguyễn Văn Hiến (căn hộ 201, lô D, Ehome 2), cho biết trong một cuộc họp mới đây, Nam Long đưa ra yêu sách: Thứ nhất, để chủ đầu tư chuyển tiền quỹ bảo trì cho BQT thì phải cho một thành viên của Nam Long đứng tên đồng chủ tài khoản.
Thứ hai, chấp nhận để BQT làm chủ tài khoản nhưng khi chi tiền phải có con dấu và chữ ký của Nam Long trên lệnh chi.
Thứ 3, BQT phải có giấy ủy quyền của toàn bộ cư dân thì Nam Long mới chuyển tiền. Theo LS. Hiến, đó là yêu sách ngược đời, lạm quyền bởi ngay khi yêu cầu Nam Long dẫn ra một điều luật nào quy định như vậy thì chủ đầu tư “bí”.
Để giải quyết quyền lợi cho cư dân, Sở Xây dựng đã có công văn hướng dẫn rõ ràng việc Nam Long có trách nhiệm bàn giao công trình sở hữu chung và quỹ bảo trì.
Theo ĐTTC