Việc quy định hạn mức tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có BĐS trong thời gian ngắn từ 22% xuống còn 16% (từ ngày 30.6 đến ngày 31.12.2011) đã tạo sự khan hiếm vốn cho BĐS. Điều này khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn để hoàn thiện nốt phần dự án dở dang, giao dịch trên thị trường cũng vì thế mà chậm lại hoặc đóng băng.
Do đó, khá nhiều ý kiến không đồng tình với việc đưa BĐS vào danh sách lĩnh vực phi sản xuất. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng hoàn toàn phản đối khái niệm tín dụng sản xuất và tín dụng phi sản xuất. Theo ông Nghĩa, đã nói đến tín dụng thì kiểu gì nó cũng là tín dụng. Còn sản xuất hay phi sản xuất thì phải hiểu một cách tổng quát, tức là khi chúng ta sống trong thời đại sản xuất dư thừa, nếu không có tiêu dùng thì không thể sản xuất được.
BĐS vẫn đang trong tình trạng èo uột. Ảnh: Nguyễn Lê
“Nếu cơ quan quản lý nhìn thấy tín dụng BĐS ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại thì cần phải khống chế và phải kiểm soát tín dụng BĐS. Không nên đưa ra những khái niệm chung chung. Còn BĐS có thuộc về phi sản xuất hay không thì chúng ta cũng không nên mất thì giờ để phân tích xem nó thuộc về lĩnh vực nào, vì nhà ở là một nhu cầu rất lớn và tất yếu của xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho rằng, trong quản lý tín dụng, đặc biệt là chính sách tiền tệ cần phải nhìn vào những khái niệm có tính đặc trưng hơn, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản hơn là những khái niệm mơ hồ như sản xuất hay phi sản xuất.
Đồng thời, có những BĐS lúc đầu được xác định là phi sản xuất, sau đó lại được xác định là sản xuất bởi một cán bộ ngân hàng thẩm định một dự án thì họ cũng phân vân nó là sản xuất hay không sản xuất và trong đó lại có hạng mục nào là sản xuất có hạng mục phi sản xuất trong khi họ không có nghiệp vụ để phân loại.
Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã kiến nghị với Chính phủ về việc đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, BĐS dù đã được đưa ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất nhưng vẫn bị kiểm soát vốn.
Do đó, ông Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi chờ ngân hàng can thiệp. “Doanh nghiệp cần liên doanh, liên kết, chọn sản phẩm có tính thanh khoản cao để có thể đưa ngay ra thị trường cung như bán hàng có chất lượng để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Chưa thể có phép tiên để ngành bất động sản có thể bật lên ngay”, ông Nam khẳng định.
Đóng góp ý kiến của mình cho thị trường lúc này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần thiết lập lại trật tự thị trường trên lĩnh vực tiền tệ. Xóa bỏ các công cụ hành chính không hiệu quả, hình thành hệ thống lãi suất chuẩn để điều hành thị trường hiệu quả hơn.
Nguyên nhân là do tài chính, tức là do vốn giá rẻ khiến cho nhiều người đầu tư một cách không cân nhắc, thậm chí những dự án đầu tư dưới chuẩn vẫn quyết định đầu tư dẫn đến làm cho giá cả tăng lên. Và giá tăng lại càng khuyến khích đầu tư vì thấy lợi nhuận lớn. Song, đùng một cái thị trường sụt giảm thì nó lại tác động ngược trở lại làm cho hệ thống tài chính khủng hoảng.
Theo Lao động