Doanh nghiệp vẫn cần thắt lưng buộc bụng
Lãi suất (LS) cho vay chắc chắn sẽ hạ nhiệt nhưng theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp (DN) vẫn cần đẩy mạnh tái cấu trúc, cắt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả và nhất là tính kỹ các phương án sử dụng vốn tín dụng.
Ẩn số vốn tín dụng
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết mới đây thống đốc NHNN đã họp cùng 12 ngân hàng để bàn giải pháp chia sẻ khó khăn với DN trong điều kiện lạm phát. Việc tạo được sự đồng thuận với tinh thần giảm LS là quan trọng. Cụ thể, hiện nay đã hạ lãi suất với một số lĩnh vực, đặc biệt trong đó chú trọng nông nghiệp. “Hạ LS thì một số DN vay được mà lương thực thực phẩm có tác động lớn đến chỉ số giá cả và lạm phát” - ông Thắng phân tích.
Trong tám tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của chúng ta chỉ mới khoảng 7%, tuy nhiên theo quy định cho cả năm là không vượt quá 20%. Như vậy dư nợ cho tín dụng vẫn còn dư địa? Theo ông Thắng, đây là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Theo ông Thắng, 20% là con số chúng ta khống chế nhưng tùy theo tình hình để điều tiết chứ không nhất thiết phải dùng hết con số ấy. Mà thực chất theo báo cáo còn một số khoản chưa cộng vào. Chẳng hạn như ngân hàng cho vay ủy thác hay dạng mua trái phiếu DN vẫn chưa tính hết vào nên số liệu thống kê chưa thực sự đầy đủ.
Theo Nghị quyết 11, vốn cho ngành bất động sản cả năm ước tính 295.000 tỉ đồng thì sáu tháng đầu năm ngân hàng đã cho vay 245.000 tỉ đồng. Dự báo từ đây đến cuối năm bất động sản còn căng thẳng về vốn. ảnh: M.THẢO |
“Theo tôi, nếu thống kê thì tín dụng cũng đã cao, rơi vào khoảng mười mấy % chứ không phải 7,8%. Như vậy cuối năm nay tín dụng cũng sử dụng hết rum 20% thôi” - ông Thắng nói.
Một vấn đề khác DN quan tâm là thường vào cuối năm NHNN cung tiền ra nền kinh tế rất mạnh, các năm trước dù có lạm phát nhưng cung tiền vẫn tăng.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng bốn tháng cuối năm, Chính phủ ưu tiên kiềm chế CPI, ổn định kinh tế nên khó có đợt cung tiền mạnh như năm 2009, 2010. LS cho vay sẽ giảm nhưng giảm chậm đến cuối năm do nguồn vốn chưa dồi dào.
DN tự cứu mình
Trước khó khăn của nền kinh tế, nhiều DN đã năng động tìm cách vượt bão. Ảnh hưởng nặng nhất là các DN ngành bất động sản nên xu hướng liên kết, hỗ trợ được các DN xúc tiến. Mới đây, việc Công ty BĐS Sacomreal đã ký kết hợp tác toàn diện cùng tám DN khác để hỗ trợ lẫn nhau từ thiết kế đến xây dựng hoàn thiện và giãn các tiến độ thanh toán… là ví dụ.
Còn trong một cuộc họp của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Vinatex, chia sẻ năm 2011 thắt chặt tiền tệ DN ngành dệt may bị tác động mạnh nhưng nhiều DN đã chủ động giảm bớt nguyên liệu nhập, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm thị trường, cắt giảm chi phí hành chính, tiết kiệm năng lượng…
Theo thống kê 500 DN niêm yết trên sàn, hầu hết DN chọn phương án giảm kế hoạch kinh doanh, tập trung đến giữ vững thị trường tiêu thụ quen thuộc và hướng về hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định là chính.
Với tình hình nền kinh tế như hiện tại, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng DN nên cương quyết xử lý các khó khăn tài chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi tìm cách huy động vốn, tự làm giảm nhu cầu vốn hợp lý để tăng khả năng huy động vốn.
“Tôi cho rằng lúc này DN cần cắt bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. DN cần liên kết, hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ” - ông Hiển phân tích.
Cần tái cấu trúc ngân hàng
Theo tôi, ngân hàng là túi đựng tác động đến toàn bộ nền kinh tế, do vậy cần tái cấu trúc, đi trước để thúc đẩy DN tái cấu trúc mạnh mẽ. Phải xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại đủ mạnh để đủ sức thúc đẩy nền kinh tế. Thực chất gần 100 ngân hàng trong cả nước nhưng DN lớn thì rất ít. Vốn quy định đối với các ngân hàng tính ra chỉ là 50 triệu USD/ngân hàng cũng không là gì so với các nước trên thế giới. Thay vì vậy, chúng ta có thể tái cấu trúc để có 5-7 ngân hàng đủ mạnh đáng tầm quốc tế.
Muốn làm được điều này phải xây dựng lại hệ thống thông tin cho ngân hàng, đảm bảo yêu cầu ngân hàng luôn có những sản phẩm mới, phải coi trọng phương thức quản trị theo hệ thống ngân hàng trong sạch.
GS-TS NGUYỄN DUY GIA, nguyên Thống đốc NHNN
Theo Pháp Luật TP