Thị trường căn hộ tụt dốc, nhiều dự án “bể” kế hoạch
Những năm trước, thị trường bất động sản thường “ấm” hơn về cuối năm và cách đây vài tháng, giới kinh doanh địa ốc vẫn kỳ vọng vào điều này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi mà năm 2011 không còn nhiều thời gian, thị trường vẫn im ắng và lạnh lẽo, khiến nhiều dự định của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản phải tạm thời bị gác lại.
Các sự kiện giảm giá căn hộ của Petro Vietnam Landmark (quận 2) và An Tiến (Nhà Bè) chẳng những không khiến thị trường nhúc nhích mà dường như còn ì ạch hơn. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho biết, trước đây, khi Công ty mở bán dự án căn hộ Quang Thái Aparment (quận Tân Phú), thi thoảng vẫn có khách mua nhà. Nhưng từ khi có thông tin các dự án giảm giá, hầu như không còn khách hàng nào quan tâm đến dự án này.
“Vì không có khách quan tâm nên chúng tôi đành phải gác lại kế hoạch bán dự án này, chờ đến khi nào thị trường có dấu hiệu tốt trở lại mới tính sau”, ông Thanh nói và cho rằng, không riêng gì dự án Quang Thái Aparment, nhiều dự án căn hộ khác đang bán trên thị trường cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Từ giữa năm, nhiều dự án đã được xây xong phần móng và nhà mẫu, nhưng do thị trường đình trệ, họ đã quyết định “ém” lại, chờ thị trường khởi sắc mới đưa ra bán. Đơn cử như dự án căn hộ tại quận 2 do CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) làm chủ đầu tư, đã xây xong móng từ đầu năm nhưng vẫn chưa được rao bán; dự án cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (Bình Thạnh) của CTCP Đầu tư bất động sản Thủy lợi 4A cũng đã xong móng từ lâu, dự định tháng 3/2011 mở bán nhưng đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện trên thị trường…
Thị trường bất động sản "đóng băng" ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh của các DN - Ảnh: Hoài Nam |
Đại diện nhiều chủ đầu tư các dự án căn hộ cho biết, họ từng kỳ vọng và dự định tung hàng vào cuối năm nhưng đến giờ, thị trường không có chuyển biến tích cực nào, đành cố “ôm hàng” chờ thêm một thời gian nữa.
Thị trường sụt giảm không chỉ làm “bể” kế hoạch kinh doanh của các dự án đã và đang đầu tư, mà còn tác động đến kế hoạch đầu tư và triển khai tiếp của các dự án chuẩn bị xây dựng. Theo kế hoạch, đầu năm 2012, Công ty Bất động sản Việt Nam (VNI) sẽ khởi công xây dựng dự án căn hộ cao cấp Vinaland Tower tại quận 7. Song, theo ông Trần Minh Hoàng, nhiều khả năng kế hoạch này sẽ phải dừng lại.
“Thị trường vốn đã quá trầm lắng, gần đây lại có một số dự án giảm giá ‘sốc’, khiến thị trường càng èo uột hơn bởi người có nhu cầu mua kỳ vọng các dự án khác cũng sẽ giảm giá theo. Nếu xây dựng mà phải chạy theo sự giảm giá của các dự án này, doanh nghiệp sẽ bị lỗ hoặc không bán được. Hiện tại, các doanh nghiệp xây dựng đang phải chịu lãi vay và các chi phí đầu vào khác tăng cao”, ông Hoàng nói và cho rằng, nếu thị trường không có sự khởi sắc nhất định, thì không chỉ có Vinaland, mà nhiều doanh nghiệp khác chắc chắn cũng không thể xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, những dự án căn hộ giảm giá thời gian qua có thể xuất phát từ 2 lý do, một là bị áp lực tài chính, buộc phải bán tháo để giải quyết khó khăn, hai là “cắt lỗ” để lấy tiền làm việc khác. Sắp tới, khả năng cũng sẽ có thêm những dự án giảm giá bán vì 2 lý do trên, nhưng không phải tất cả. Các dự án mà chủ đầu tư không bị áp lực tài chính sẽ không được tung ra thị trường với giá giảm như vậy.
“Trong hoàn cảnh lãi suất tín dụng và các chi phí phát triển dự án khác đều cao mà thị trường lại sụt giảm cả về giá và thanh khoản như vậy, sẽ rất hiếm có dự án mới được khởi công xây dựng”, ông Đực nói và dự báo, trong năm tới, nguồn cung sẽ có xu hướng giảm nhiều. Nếu không được tháo gỡ các vấn đề liên quan đến chính sách như thủ tục đầu tư, tiền thuế sử dụng đất, tín dụng… sẽ có không ít doanh nghiệp địa ốc rời khỏi “cuộc chơi”.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán