Ninh Thuận gọi vốn đầu tư vào 50 dự án
* Thưa ông, Quy hoạch Tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận mới được phê duyệt có làm thay đổi những dự án đã có hay không? Tỉnh sẽ xử lý các dự án này thế nào để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư?
Quan điểm chung của UBND tỉnh Ninh Thuận là cần phát huy tối đa nguồn lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực trong kêu gọi đầu tư phát triển, nhất là trong bối cảnh hiện tại là kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1.
Chính vì vậy, ngay sau khi Quy hoạch Tổng thểphát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch) do Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Vương quốc Anh) thực hiện được phê duyệt, việc rà soát lại toàn bộ các dự án hiện có đã được thực hiện. Nguyên tắc là những dự án đã có sẽ được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh về quy mô, lĩnh vực cho phù hợp với quy hoạch, tránh việc phải loại bỏ dự án. Đồng thời, các dự án mới cũng được xây dựng để kêu gọi đầu tư.
Theo kế hoạch, tại hội nghị công bố Quy hoạch (tổ chức ngày 10/12 tới), danh mục 50 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ được công bố.
* 50 dự án này thuộc những lĩnh vực nào, thưa ông?
Danh mục dự án được xây dựng trên 6 trụ cột mà Quy hoạch đã xác định cho hướng phát triển của Ninh Thuận. Đó là năng lượng sạch (xây dựng Ninh Thuận là trung tâm năng lượng sạch của cả nước, trọng tâm là hai dự án điện hạt nhân, tiềm năng về nắng, gió phù hợp với phát triển điện mặt trời, điện gió); phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, phát huy lợi thế đặc thù trong phát triển cây công nghiệp như nho, thuốc lá, cây bông vải, nuôi cừu xứ nóng…; tập trung thu hút công nghiệp phụ trợ cho các dự án điện gió, mặt trời, các dự án công nghiệp đang mời gọi; du lịch kết hợp với lịch nghỉ dưỡng, văn hoá, sinh thái; giáo dục đào tạo và bất động sản.
Nhưng khó có sự phát triển đồng đều ở cả 6 trụ cột nếu không lựa chọn ưu tiên...
Phải nói đến lợi thế lớn nhất của Ninh Thuận hiện tại chính là quy hoạch tổng thể được xây dựng đồng bộ và chuyên nghiệp. Điều này sẽ tạo nên sự phát triển một cách tổng thể trên các lĩnh vực mà tỉnh xác định.
Thế nhưng, nếu nói về ưu tiên, có thể nói hai lĩnh vực được coi là nền tảng để thúc đẩy các dự án khác là nguồn nhân lực và hạ tầng. Chúng tôi xác định các dự án đào tạo sẽ hướng tới cung cấp nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân, năng lượng sạch… hay như các dự án bất động sản trước hết cũng để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công nhân làm việc tại các nhà máy này. Chính vì vậy, các kế hoạch xúc tiến đầu tư cũng sẽ theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực trong các lĩnh vực này để tiến hành đàm phán.
* Ninh Thuận nằm trong tam giác du lịch, giữa Khánh Hoà, Bình Thuận và Lâm Đồng, trong khi nhiều dự án ở các tỉnh này đang có dấu hiệu quá tải, có thể sẽ tác động tới kế hoạch phát triển du lịch của Ninh Thuận?
Ninh Thuận đi sau trong phát triển du lịch có thể là một lợi thế. Ví dụ tuyến đường ven biển dài 116 km mà chúng tôi đang đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2013 sẽ mở ra cơ hội lớn cho các dự án bất động sản du lịch quy mô lớn.
Ninh Thuận sẽ không lặp lại tình trạng băm nhỏ đất hay chia lô mặt biển, mà sẽ khai thác lợi thế địa hình núi nhô ra mặt biển để phát triển du lịch mạo hiểm, đua thuyền, lướt ván hay du lịch kết hợp thưởng thức rượu nho Ninh Thuận…
Chúng tôi cũng sẽ khai thác tính liên kết vùng khi phối hợp với Khánh Hoà, Lâm Đồng đề nghị Chính phủ đầu tư sớm tuyến cao tốc Nha Trang - Ninh Thuận, tuyến đường sắt Đà Lạt - Ninh Thuận.
Cũng phải nói thêm là việc sử dụng các tập đoàn lớn để xây dựng quy hoạch cũng tạo điều kiện để Ninh Thuận được các nhà đầu tư biết tới khi Tập đoàn Monitor và Arup trong khi xây dựng quy hoạch cũng đã kết hợp chào gọi các nhà đầu tư trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2011, chúng tôi đã tiếp 190 tập đoàn lớn vào nghiên cứu cơ hội đầu tư từ bản quy hoạch này.
Theo Báo Đầu Tư