Nhiều bộ ngành di dời trụ sở ra khỏi trung tâm Hà Nội
Được khởi động từ nhiều năm nay, quá trình tìm “điểm đến” mới cho các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn Hà Nội đã có những kết quả bước đầu. Hiện nay, đã có 8 bộ, ngành được bố trí trụ sở mới. 11 bộ, ngành khác đang chờ đợi tới lượt di dời khỏi nội đô lịch sử.
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên đường Tôn Thất Thuyết |
11 bộ, ngành chờ di dời
Yêu cầu di dời các bộ, ngành khỏi khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội (là khu vực được giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, trên địa bàn 5 quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ) đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Theo Sở QH-KT Hà Nội, tới nay, mới có 8 bộ, ngành được bố trí địa điểm di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới. Quỹ đất đã bố trí di dời các cơ quan này khoảng 20,21ha. Có thể liệt kê một số đơn vị điển hình như Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Chính phủ; Bộ Khoa học Công nghệ...
Còn lại 11 cơ quan đang đề xuất di dời do không phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý) hoặc quy hoạch phân khu được duyệt. Các trụ sở này đều có hệ thống cơ sở vật chất cũ, đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chủ trương di dời 11 cơ quan này đã được cấp thẩm quyền chấp thuận. Danh sách gồm các cơ quan như Bộ Xây dựng, Bộ GT-VT, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT...
Theo thông tin từ Sở QH-KT, quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77ha. Trong đó, khu trung tâm Tây hồ Tây có quy mô 27ha, chỉ dành bố trí trụ sở mới các bộ. Bên cạnh đó, khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, tại xã Mễ Trì (Từ Liêm), sẽ có khoảng 30-50ha đất chờ đón các bộ, ngành. Nơi đây, sẽ bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể...
Tổng diện tích quỹ đất sau di dời ước tính khoảng 50,8ha. Trong đó, phần đất dôi dư thuộc các cơ quan đã di dời chiếm không lớn, chỉ khoảng 3,48 ha. Phần còn lại thuộc quỹ đất các cơ quan xem xét thực hiện di dời trong giai đoạn sau. Tuy diện tích không lớn nhưng hơn 50ha đất này được đánh giá là “đất vàng”, có giá trị kinh tế rất lớn vì trụ sở các bộ, ngành phần lớn đều nằm ở mặt đường các tuyến phố trung tâm Thủ đô. Do vậy, sử dụng quỹ đất này như thế nào là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ưu tiên công trình công cộng
Dù mới đang ở giai đoạn tìm địa điểm, song nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng đề nghị dành quỹ đất dôi dư sau khi di dời bộ, ngành cho mục đích công cộng, phục vụ cộng đồng dân cư. Đặc biệt, phải hạn chế tới mức thấp nhất việc cho phép xây dựng các khu nhà ở, căn hộ chung cư cao tầng ở các khu đất này. Bởi nếu như vậy, không khác nào “đánh bùn sang ao” và mục tiêu giãn mật độ dân số cho khu vực nội thành sẽ thất bại.
Về định hướng sử dụng quỹ đất “vàng” ở nội thành sau khi di dời, Sở QH-KT chỉ “tiết lộ” chung chung, “sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt”. Dù vậy, Sở QH-KT cũng kiến nghị cần “ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị...”.
Cũng liên quan tới vấn đề nhạy cảm này, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, để có cơ sở đề xuất các chức năng sử dụng khu đất - công trình sau khi di dời, “cần xây dựng tiêu chí cụ thể làm công cụ giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện”.
Phó Viện trưởng Lưu Quang Huy kiến nghị: “Đây là công việc đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc tái phát triển theo hướng bền vững của khu vực nội đô lịch sử, tạo động lực cho khu vực nội đô mở rộng và các khu vực khác. Do đó, cần có mô hình nghiên cứu thích hợp theo hướng đa ngành. Ngoài ra, cần phân kỳ di dời theo giai đoạn đối với từng đơn vị dự kiến di dời để các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và công tác tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi...”.
Dự thảo Luật Thủ đô đề xuất khi thực hiện thu hồi đất của trụ sở các cơ quan Trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô để sử dụng cho mục đích đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện di dời. |
Theo ANTĐ