Kinh doanh bán lẻ ế ẩm
Theo khảo sát của CBRE, số các cửa hàng đóng cửa tại các trung tâm thương mại nhiều hơn số mở mới và có xu hướng ưa chuộng diện tích thuê nhỏ. Các ngành gặp khó khăn phải kể đến là may mặc, giày dép và điện máy.
Hà Nội cũng có tình hình kinh tế tương tự. Tốc độ tăng CPI của Hà Nội cũng ở mức âm trong tháng 4 và tháng 6/2012 (-0,03% và -0,17%). Điều này phản ánh đúng khả năng tiêu dùng mua sắm của người dân.
Theo nhận định của công ty tư vấn BĐS quốc tế CBRE, quý 2/2012 vừa qua vẫn là thời kỳ khó khăn của thị trường mặt bằng bán lẻ. Không có thêm dự án mới đi vào hoạt động, các khách thuê/thương hiệu đóng cửa nhiều hơn là mở mới. Ngoài ra, diện tích các cửa hàng mở mới cũng nhỏ hơn. Trong tổng số 130 cửa hàng mở cửa hoặc đóng cửa tại các trung tâm thương mại, số lượng các cửa hàng đóng cửa chiếm gần 60%.
Cụ thể, trong số các cửa hàng mới mở cửa, khai trương, số lượng các cửa hàng có diện tích trung bình (từ 20-100 m2) giảm, trong khi số lượng các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn (dưới 20 m2) có dấu hiệu tăng.
Trong đó, những ngành hàng may mặc, giày dép và điện máy có xu hướng giảm cả về số lượng và diện tích mở mới, do người tiêu dùng thường thắt chặt chi tiêu với những mặt hàng này nhiều nhất.
Những ngành hàng như ẩm thực, giải trí tiếp tục kinh doanh tốt, và là nhân tố thúc đẩy sự quan tâm của khách hàng tới các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, việc có những tiện ích này không hẳn đồng nghĩa với việc tăng doanh số bán hàng cho toàn bộ trung tâm thương mại.
Dự báo nửa cuối năm 2012, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn chưa mấy sáng sủa, khi mà ít có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu.
Theo Dân trí