Khó chuyển đất nông nghiệp sang đất ở:
Hà Nội đã triển khai quyết định 40 cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp "xen kẹt" trong khu dân cư sang đất ở từ đầu năm nay, nhưng do phát sinh nhiều vướng mắc nên chưa có thửa đất nào được chuyển đổi thành đất ở.
Một thửa ruộng “mắc kẹt” giữa các khu đô thị tại Từ Liêm (Hà Nội) nhưng không được xếp vào nhóm đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, nên không được chuyển thành đất ở - Ảnh: XUÂN LONG |
Các vướng mắc là việc xác định hạn mức đất được chuyển đổi, cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển đổi sang đất ở.
Lúng túng
Quận Thanh Xuân là đơn vị triển khai sớm chủ trương cho phép chuyển đổi đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở. Ðến nay, đã có 12 trường hợp nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất dạng trên sang đất ở, nhưng do vướng mắc trong việc xác định hạn mức giao đất khi chuyển đổi nên chưa có hồ sơ nào được giải quyết.
Tương tự, tại một số huyện như Gia Lâm, Ðan Phượng, Hoài Ðức, việc thực hiện chủ trương trên vẫn chưa triển khai được do lúng túng trong quá trình xác định hạn mức đất được chuyển đổi và cách tính tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển đổi.
Ông Chu Ðức Hiền, phó trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Ðan Phượng, nói: "Theo quy định của thành phố, trong quá trình chuyển đổi sang đất ở, các hộ gia đình được phép lựa chọn một trong nhiều thửa đất làm cơ sở tính hạn mức sử dụng đất khi chuyển đổi. Do quy định không rõ ràng như vậy nên việc tính hạn mức rất khó". Theo ông Hiền, thực tế này buộc huyện phải xử lý bằng cách trước mắt cho phép các hộ có nhu cầu chuyển đổi, có hạn mức đất ở chật chội làm thủ tục chuyển đổi trước.
Theo lãnh đạo phòng tài nguyên - môi trường một số quận huyện, thực tế đất nông nghiệp được giao để sản xuất tính theo nhân khẩu trong gia đình làm nông nghiệp và chủ gia đình đứng tên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đến nay con cái đã trưởng thành, lập gia đình, tách hộ khẩu riêng. Như vậy hạn mức đất chuyển đổi sẽ được tính cho từng hộ gia đình đã tách hay tính trên toàn bộ đất giao cho hộ gia đình lớn ban đầu?
Còn ông Nguyễn Ðức Hồng, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Gia Lâm, cho biết một nguyên nhân khác khiến việc chuyển đổi đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở giẫm chân tại chỗ do gặp vướng mắc trong quá trình xác định giá đất để người dân nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi.
Tính theo hạn mức giao đất ở
Một số trường hợp đất nông nghiệp không được chuyển sang đất ở Quyết định 40 của UBND TP Hà Nội không cho phép chuyển đổi sang đất ở đối với đất nông nghiệp giao theo nghị định 64; đất nông nghiệp do UBND các xã phường, thị trấn, các hợp tác xã và các tổ chức khác đang quản lý sử dụng; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích như quỹ đất 5%, 10% giao cho hộ gia đình, cá nhân làm kinh tế vườn. |
Ông Nam cho biết việc tính giá đất để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi sang đất ở được xác định theo hai mức. Cụ thể, đối với các trường hợp chuyển đổi đất vườn, ao liền kề sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa giá đất ở với giá đất nông nghiệp theo khung giá của thành phố quy định. Trường hợp người dân có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt sang đất ở, nếu việc chuyển đổi phù hợp với quy hoạch thì việc tính tiền sử dụng đất sẽ căn cứ vào mức sát với giá thị trường, do hội đồng định giá của quận huyện quy định. "Hội đồng này sẽ do phòng tài chính của quận huyện chủ trì, xác định giá đất sát với giá thị trường và xin ý kiến các ngành về thẩm định giá đất cho sát với thực tế. Sau đó người dân sẽ nộp theo giá đất đó" - ông Nam giải thích.
Theo Địa Ốc TTO