Chính phủ mua lại một số dự án BĐS nợ xấu, có thể nảy sinh cơ chế xin – cho
Thị trường bất động sản (BĐS) có thể sẽ tươi sáng hơn khi đón nhận một dòng tiền mới từ phía Chính phủ thông qua việc mua lại các dự án thuộc diện nợ xấu.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp mua lại các dự án bất động sản thuộc diện nợ xấu (Báo GĐ&XH đã thông tin trong số 33, ra ngày 16/3) của Chính phủ là một sáng kiến, có thể tăng sức mua của thị trường, giải quyết tình trạng ứ đọng hiện nay. Tuy nhiên, biện pháp này cũng dễ làm nảy sinh nhiều tiêu cực, cơ chế xin - cho...
Chính phủ mua lại một số dự án BĐS nợ xấu, có thể nảy sinh cơ chế xin – cho. Ảnh: Chí Cường |
Chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam
“Ở Mỹ họ có một cơ sở dữ liệu chung về bất động sản. Mỗi căn nhà hay bất động sản đều được công khai thông tin chủ sở hữu. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng, lừa đảo hoặc đầu cơ, một căn bán cho nhiều người như hiện nay ở Việt Nam. Theo tôi chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này với khả năng công nghệ hiện nay”. Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Bất động sản B.D.S |
Tuy nhiên, đã có những nghi ngại kiểu như: Rất khó để tính toán xem liều lượng tiền Chính phủ cần rót vào thị trường bao nhiêu là đủ; cơ chế xin – cho thừa cơ trỗi dậy... Kể từ khi bước vào giai đoạn khủng hoảng năm 2008, không phải là không có những dòng tiền lớn rót vào thị trường BĐS, mà đề án phát triển nhà xã hội, nhà giá thấp đang triển khai là một điển hình.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét: “Đấy có thể là một giải pháp tốt giúp tăng sức mua cho thị trường. Nhưng vấn đề đặt ra là cách làm như thế nào, sức mua là bao nhiêu? Nhà nước có bao nhiêu tiền bỏ ra để mua các bất động sản như thế? Nếu không mua được hết thì sẽ mua của ai?”. Trong trường hợp Nhà nước mua có chọn lọc, tức là không mua hết được các dự án đang tồn đọng thì vấn đề đặt ra là làm sao để không nảy sinh chuyện xin – cho? Ông Đặng Hùng Võ tỏ ra e ngại: “Có thể nảy sinh cơ chế xin - cho. Tôi sợ rằng sẽ không giải quyết cho thị trường mà chỉ giải quyết cho một vài người”.
Còn ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Bất động sản B.D.S cho rằng: “Đây là câu chuyện đặc biệt, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam”. Theo ông Trường, việc này có thể nhìn dưới hai góc độ. Nếu là góc độ tiêu cực thì còn rất nhiều câu hỏi đặt ra. Còn nếu nhìn ở góc độ tích cực, hiện nay có nhiều “đại gia” đang lao đao, trong trường hợp Chính phủ cần nhà bổ sung vào quỹ nhà tái định cư, mà các dự án này có thể bán lại với giá hợp lý thì Nhà nước mua lại là tốt.
“Tuy nhiên cần phải thấy rằng, các bất động sản không bán được thuộc hạng cao cấp, nên nếu nói mua lại những bất động sản đó để làm nhà tái định cư hay nhà ở xã hội là rất khó”, ông Trường nói. Theo ông Trường, thay vì can thiệp quá sâu, Nhà nước nên để cho thị trường giải quyết. Nhà nước tham gia vào sẽ nảy sinh tiêu cực, việc gì của thị trường thì nên để cho thị trường.
Tính kế lâu dài
Như chúng tôi đã từng đề cập trong bài báo trước, rằng vấn đề Nhà nước bỏ tiền ra mua lại các BĐS tồn đọng cho doanh nghiệp dẫu sao vẫn chỉ được coi là “giải pháp tình thế” trong thời điểm khó khăn hiện nay. Trong khi còn nghi ngại với các giải pháp khai thông nguồn vốn, thì có lẽ đã đến lúc Chính phủ cần tính toán đến các giải pháp lâu dài và căn cơ hơn về chính sách đất đai. Nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường đã lên tiếng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng: Công nhận đa sở hữu về đất đai và xoá bỏ hạn điền. Các ý kiến đưa ra đều dựa trên góc độ quản lý, tuy nhiên, những sửa đổi này nếu xảy ra cũng có thể mang lại tác động lớn về mặt thị trường.
Theo Luật Đất đai hiện hành, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và có quyền: Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng; Quyết định giao đất, cho thuê, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất... Còn lại, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như: Quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp… Với những quyền này, thực tế đất đai đã là một thứ tài sản của cá nhân người sử dụng.
Tuy nhiên, khái niệm “Sở hữu toàn dân” vẫn là một rào cản lớn. Chỉ khi đất đai trở thành sở hữu tư nhân thì chính quyền địa phương mới không thể nhân danh “Nhà nước” để thu hồi. Vì thế trong trường hợp nếu được sửa luật, trao quyền sở hữu đất đai cho tư nhân, sẽ đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị tài sản đất đai, ông Đặng Hùng Võ nói: “Thị trường chung bất động sản chắc chắn tăng lên sẽ rất mạnh, tác động làm tăng giá trị tài sản của dân là chắc chắn”. Không chỉ tăng về mặt giá trị tài sản bất động sản nói chung, việc sửa Luật Đất đai, đảm bảo tài sản của dân sẽ mang lại sự ổn định và tác động tích cực đến đầu tư, phát triển vào đất đai. Về lâu dài việc sửa luật sẽ tạo ra một thị trường đất đai tốt hơn, minh bạch hơn.
Tăng tính minh bạch cho thị trường cũng là vấn đề mà ông Lê Xuân Trường cho là mấu chốt để giải bài toán đầu cơ trong lĩnh vực này. Trong trường hợp những vấn đề nền tảng về luật pháp, chính sách và tính minh bạch chưa giải quyết được thấu đáo, thì những giải pháp mang tính tình thế như mua lại BĐS nợ xấu, sẽ chỉ như liều thuốc mạnh cho qua cơn “bạo bệnh”. Không khó để dự đoán, tình trạng đầu cơ, bong bóng của thị trường sẽ lại tái diễn khi cơn bạo bệnh đi qua.
Theo Gia Đình