Có nên xây cầu Thủ Thiêm 2 ?
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 vừa được UBND TP HCM chấp nhận và giao cho TCty CP XNK và Xây dựng VN (Vinaconex) làm chủ đầu tư nghiên cứu phương án khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, tranh cãi về dự án này.
Mô hình cầu Thủ Thiêm 2 |
Từ nghiên cứu đề xuất của nhà tư vấn thiết kế WSP (Phần Lan), cầu Thủ Thiêm 2 nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng (đoạn qua nhà máy Ba Son) - sông Sài Gòn - Thủ Thiêm, có chức năng là một trục nối kết trung tâm Q.1 với KĐTM Thủ Thiêm (Q.2). Đây là các khu đô thị, trung tâm công cộng có mật độ tập trung dân cư cao. Ngoài đảm bảo kết nối giao thông, công trình phải mang kiến trúc hiện đại, vừa phải mang tính dân tộc kết hợp với bảo vệ môi trường. Theo đó, nhà thầu đưa ra 3 phương án thiết kế cầu với những ưu, nhược điểm riêng.
3 phương án lựa chọn
Phương án đầu tiên, cầu được thiết kế 2 làn xe chạy suốt với tổng kinh phí khoảng gần 1.600 tỷ đồng. Ưu điểm của phương án này là vốn đầu tư nhỏ nhất và ít ảnh hưởng nhất tới cây xanh ở hai bên đường Tôn Đức Thắng. Nhưng lại nhiều nhược điểm: Không toát lên được “tầm vóc” của công trình và giảm tính mỹ quan do độ mảnh của tháp lớn, không cân đối giữa chiều cao và khoảng cách hai chân tháp; công năng sử dụng thấp, chỉ đáp ứng được một lưu lượng xe ở mức tối thiểu.
Phương án thứ 2, cầu có 2 làn xe chạy suốt và 2 làn xe dừng trước nút giao, tổng vốn đầu tư 1.851 tỷ đồng. Ưu điểm của phương án này là đem lại lợi ích to lớn cho người tham gia giao thông do không phải đi đường vòng và còn giảm thiểu được sự tắc nghẽn trong các tuyến phố xung quanh khu vực dự án. Đồng thời, tạo sự hài hòa về mặt phân bổ lưu lượng cho cả nút giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh và nút giao với đường Lê Duẩn mà không làm tăng lưu lượng ở nút giao nào một cách đột biến.
Tuy nhiên, nếu theo phương án này, trắc dọc cầu có điểm gãy ở chỗ chuyển tiếp giữa cầu chính và cầu dẫn, không gian dưới gầm cầu sẽ không được thông thoáng. Hơn nữa, dòng xe đi từ phía Thủ Thiêm về trung tâm thành phố sẽ tham gia một phần vào nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, có thể làm ùn tắc ở nút giao vào giờ cao điểm.
Phương án thứ 3, cầu có 4 làn xe chạy suốt với tổng kinh phí 1.860 tỷ đồng. Đây là phương án có tổng mức đầu tư cao nhất. Không có sự kết nối giữa cầu Thủ Thiêm 2 và đường ven sông Sài Gòn; toàn bộ phương tiện tham gia giao thông trên cầu đổ dồn về nút giao với đường Lê Duẩn, sẽ gây tắc nghẽn giao thông cho nút giao này vào giờ cao điểm. Nhưng ngược lại phương án này cũng có những ưu điểm riêng như: không gian dưới cầu thoáng; giảm nguy cơ ùn tắc tại nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, tăng được chiều rộng lề bộ hành cho đường Tôn Đức Thắng.
Theo nhà tư vấn thiết kế WSP, phương án 3 là khả thi nhất và WSP đã kiến nghị UBND TP HCM lựa chọn phương án này với 4 làn xe vượt qua nút giao và có hầm bổ sung cho xe máy và xe thô sơ lưu thông.
Nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, như ý kiến của một số chuyên gia đầu ngành của thành phố thì đây là một dự án lớn, rất tốn kém, cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng, có văn bản cụ thể đánh giá những tác động ảnh hưởng, chứ không phải việc cứ đưa ra một vài phương án rồi buộc phải lựa chọn.
Theo TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP HCM: Trong khi lưu lượng xe lưu thông qua cầu Thủ Thiêm 1 còn ít ỏi, hầm ngầm Thủ Thiêm cũng sắp đi vào hoạt động thì chưa nên bàn chuyện xây cầu để giảm quá tải lưu lượng xe ở đường Tôn Đức Thắng lúc này vì chi phí xây cầu Thủ Thiêm 2 quá tốn kém, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trả lời cho câu hỏi vì sao phải xây cầu, ông Bùi Xuân Cường, PGĐ Sở Xây dựng TP cho rằng, dự án này không phải do đề xuất nào mà ngay từ năm 2007, trong văn bản quy hoạch chi tiết của dự án Thủ Thiêm đã đánh số cầu Thủ Thiêm: 1, 2, 3, 4. Gần đây, trong chương trình giảm ùn tắc giao thông TP đã có chủ trương xem xét dự án này. Theo đó, cầu sẽ được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), không lấy ngân sách nhà nước; Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TP tự quyết định cơ chế xây dựng, nhà đầu tư tự bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài lập thiết kế.
Cũng theo ông Cường, nếu dự án được phê duyệt thì các thủ tục thuê khoán, hợp đồng tới năm 2012 mới giải quyết xong. Và sau 3 năm xây dựng, tới năm 2015 công trình sẽ đi vào hoạt động.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM không khỏi phân vân: Nhà tư vấn phải cam kết việc phân luồng xe như thế nào, tránh trường hợp cầu xây xong mà hạn chế trong việc phân luồng, kết nối. Điển hình như cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) rất đẹp nhưng cầu xây xong mà đường Nguyễn Thị Minh Khai bên này 10 năm vẫn chưa giải tỏa được. Rồi cầu Phú Mỹ đã đi vào hoạt động nhưng lưu lượng xe quá ít vì nhiều lý do và chủ đầu tư đang đòi... trả lại cầu.
Băn khoăn lớn nhất của ông Mười là: “Cầu Thủ Thiêm 2 làm xong, liệu có đường kết nối ra xa lộ Hà Nội?; Có giúp giảm tải cho nút Tôn Đức Thắng hay không vì hiện chúng ta đang thiếu nhất quán giữa các đơn vị chủ đầu tư, cầu một kiểu, đường một kiểu, mạnh ai nấy làm”.
Như vậy, rất nhiều ý kiến lo ngại và cùng chung một kiến nghị, trước một dự án lớn tới hàng ngàn tỷ đồng, TP cần cân nhắc kỹ lưỡng để có những quyết sách phù hợp nhất. Tránh tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án rồi triển khai kiểu “rùa bò” gây tốn kém, lãng phí.
Thực tế, một số dự án trọng điểm đã được cấp phép nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực đang diễn ra tại TP HCM, liệu có phải đã quá đủ để TP nhìn nhận lại vấn đề, không chỉ riêng với cầu Thủ Thiêm 2?
Trong khi khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm chưa nên dáng nên hình vì vẫn đang trong giai đoạn GPMB thì đã có nhiều dự án xây cầu để kết nối bán đảo này với khu vực trung tâm TP HCM. Hiện tại, nếu tính cả hầm ngầm Thủ Thiêm và 3 cây cầu hiện hữu là Cầu Sài Gòn 1, Thủ Thiêm 1, Phú Mỹ, dự kiến sẽ có thêm 4 cây cầu nữa là: cầu Sài Gòn 2, Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4 sẽ được xây dựng. Nâng tổng số lên 8 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối với một bán đảo nhỏ chỉ với hơn 600 ha.
Theo DĐDN