Buông lỏng quản lý ở các khu kinh tế
Nhiều khu kinh tế được thành lâp nhưng buông lòng quản lý (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: TL. |
Theo báo cáo giám sát được Chủ nhiệm Ủy ban khoa học-công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày, “khu kinh tế phát triển quá nhanh và nóng”. Quốc hội tập trung giám sát 15 khu kinh tế ven biển, chưa kể đến khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế quốc phòng.
Năm 2011 Thủ tướng bổ sung thêm 3 khu kinh tế ven biển vào quy hoạch chung gồm khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định), khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị) và khu kinh tế ven biển Thái Bình, nâng tổng số các khu kinh tế trên toàn quốc lên 18 khu kinh tế ven biển, diện tích sử dụng 765.275 héc ta diện tích đất và mặt nước.
Trong số 15 khu kinh tế ven biển được giám sát, khu có diện tích lớn nhất là khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) với 217.133 héc ta (lớn gấp 2,6 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh).
Vì muốn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương nên chính sách phát triển các khu kinh tế từ Chính phủ đến địa phương đặc biệt cởi mở, nhiều ưu đãi về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thuế… được đưa ra mời gọi. Tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư chưa nhiều. Mặt khác, phần đã thu hút được đầu tư thì buông lỏng hoặc phân cấp quản lý quá mức dẫn đến những hệ quả không tốt.
Ví dụ, hiện rất ít khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung, như khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên năm 2003 đến nay mới chỉ bắt đầu triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung, các khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng), khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Huế)… tuy có khu xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ô nhiễm không khí (nhất là ở các nơi có các nhà máy xi măng, đóng tàu, hóa chất, nhiệt điện…) ở mức độ rất cao. Môi trường đất, chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường sống địa phương hiện chưa xử lý được. Đoàn giám sát kết luận: "Với sự phát triển của các khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải nói với TBKTSG Online rằng việc buông lỏng quản lý ở các khu kinh tế xuất phát từ việc nhiều địa phương giao toàn quyền quản lý cho Ban quản lý các khu kinh tế, kể cả việc phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi về nguyên tắc cấp quản lý này không được quyền làm việc đó.
“Nhiều địa phương ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế nhưng cũng ủy quyền trách nhiệm luôn trong khi tầm mức của các ban quản lý không đủ năng lực và quyền hạn để thực hiện”. Ông Khải nêu ví dụ, liệu rằng Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong có đủ năng lực để quản lý, điều hành cả một khu kinh tế có quy mô 150.000 ha, diện tích lớn gấp đôi tỉnh Bắc Ninh, xấp xỉ tỉnh Thái Bình, lại có một nửa diện tích mặt đất, một nửa mặt nước, có vài huyện thuộc địa bàn?
Đoàn giám sát đề nghị cần có kết luận của Chính phủ về việc quy hoạch hệ thống các khu kinh tế trong cả nước cùng với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của nó.
Mặt khác, cần có giám sát tối cao của Quốc hội đối với hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế vì đây là đối tượng gây ô nhiễm nhất hiện nay. Cũng cần có giám sát sâu hơn về việc ứng dụng và sử dụng công nghệ tại khác khu công nghiệp, khu kinh tế vì hiện nay công nghệ sử dụng ở đây hầu hết là trung bình và lạc hậu so với thế giới, gây ô nhiễm môi trường nặng.
Theo TBKTSG