BĐS du lịch, giải trí Việt Nam gọi vốn ngoại
Tiền Giang giới thiệu với nhà đầu tư nước ngoài dự án sinh thái miệt vườn, Cù lao Nam bộ; Venus Cát Bà và Venus Mũi Né gọi vốn ngoại 2 tỷ USD; khu giải trí Happyland hút đầu tư quốc tế... là xu thế bất động sản du lịch hướng đến.
Sở dĩ các dự án bất động sản du lịch, giải trí đang nhắm đến nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn quốc tế vì hai lý do: vốn mạnh và nhiều kinh nghiệm, điều mà các nhà đầu tư nội địa đang thiếu.
Phối cảnh dự án Happyland tại Long An,
một trong những khu du lịch, giải trí phức hợp
đang thu hút nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: K.T.
một trong những khu du lịch, giải trí phức hợp
đang thu hút nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: K.T.
Ngày 20/5, tại Hội nghị và Triển lãm Quốc tế về cơ hội hợp tác và đầu tư bất động sản và du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Tấn Phong đã giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng của tỉnh.
Đó là các dự án: Cù lao Thới sơn dự kiến phát triển thể thao dưới nước; quy hoạch đất phục vụ nhu cầu cắm trại và các loại hình văn hóa dân gian; dự án rộng 2,5 ha để xây dựng hạ tầng đón du khách. Một trong những dự án tỉnh mong muốn mời nhà đầu tư nước ngoài là Vườn sinh thái Nam bộ trồng đầy đủ các loại cây trái đặc trưng của vùng đất này và Làng Nam bộ, tái hiện lại làng sinh hoạt, chợ nổi của Đồng bằng sông Cử Long.
"Đến nay Tiền Giang chưa có dự án nào hướng đến vui chơi giải trí, vì vậy chúng tôi đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nhằm làm tăng sức hút cho ngành du lịch nghỉ dưỡng. Hàng năm tỉnh hút 950.000 du khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 500.000 lượt", ông Phong nói.
Phối cảnh dự án Venus Cát Bà Hạ Long,
một trong những dự án BĐS nghỉ dưỡng, giải trí
đang gọi vốn ngoại. Ảnh: S.T.
một trong những dự án BĐS nghỉ dưỡng, giải trí
đang gọi vốn ngoại. Ảnh: S.T.
Giữa tháng 4, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư quốc tế Giico Hà Mạnh Dũng đã tiếp xúc với các nhà đầu tư Ma Cau để gọi vốn đầu tư dự án nghỉ dưỡng Venus Cát Bà và Venus Mũi Né. Hai dự án này đang chuẩn bị về thủ tục đầu tư và pháp lý đất sạch cho dự án, hiện chỉ thiếu vốn. Chủ đầu tư ấp ủ xây dựng một thành phố mới ven biển 300 hecta có dịch vụ du lịch, casino, golf, cảng biển, sân bay... với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
"Với số vốn rất lớn mà dự án cần, tôi chỉ mong hợp tác với nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực mạnh. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về công nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, là hình mẫu để tham khảo, học hỏi", ông Dũng nói.
Ngày 14/2, Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông đã tổ chức lễ khởi công dự án khu vui chơi giải trí phức hợp Happyland với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trước đó, ngày 12/2, ông Joe Jackson, người cha 82 tuổi của huyền thoại âm nhạc thế giới Michael Jackson đã có mặt tại TP HCM để ký kết dự án đầu tư một khách sạn 5 sao với 1.000 phòng trong dự án khu giải trí phức hợp này.
Chủ đầu tư dự án Happyland cũng dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục gọi vốn ngoại, đặc biệt là những nhà đầu tư danh tiếng tham gia vào các dự án thành phần của khu giải trí phức hợp này.
Chủ đầu tư và đối tác bắt tay nhau trong ngày khởi công dự án.
Ảnh: Bích Hồng.
Ảnh: Bích Hồng.
Trao đổi với báo chí về ngành bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty Vietlink Consulting, Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: " Việt Nam vẫn là diểm đến thu hút du khách và nhà đầu tư quốc tế trong tương lai".
Theo ông Tuấn, chiến lược phát triển ngành du lịch giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam trong thời gian tới nên chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu để phát huy khả năng cạnh tranh. Theo đó, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, phát triển vùng trọng điểm, phát triển sản phẩm gắn với thị trường.
Chuyên gia này cho rằng, để đi đúng hướng, các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, giải trí trong nước phải hiểu chu kì thị trường để có suất đầu tư thích hợp. "Việt Nam cần nghiên cứu và lựa chọn mô hình phù hợp, không thể manh mún phát triển theo mô hình sinh thái hay biển đảo mà cần phải có quy hoạch mang tính dài hạn", ông Tuấn nói.
Còn Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Tống văn Nga dự báo: "Với tình hình kinh tế hiện nay, khó có thể phát triển ngành công nghiệp giải trí và bất động sản du lịch quy mô lớn ở Việt Nam vì thiếu vốn". Theo ông Nga, Việt Nam cần thêm thời gian chuẩn bị để định hình quy hoạch cụ thể, lập chiến lược quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài rồi mới xúc tiến những dự án cần dòng vốn lớn.
Riêng Giám đốc khu vực Châu Á Sanderson Group (Singapore), Luke Riley đưa ra lời khuyên, bất cứ chủ đầu tư nào tham gia vào ngành bất động sản du lịch, giải trí cũng cần nghiên cứu lại thị trường này nhằm đánh giá tính khả thi của từng dự án và dự trù tình huống rủi ro. "Tốt nhất là nên dự phòng tài chính để tránh trường hợp khó thu hồi vốn", ông nói.
Theo VnExpress