Dốc túi chơi canh bạc truyền thông
Trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn và rất khó bán hàng, nhiều chủ dự án, đặc biệt là dự án BĐS cao cấp đang đổ tiền như nước vào các chiến dịch làm truyền thông, maketing.
Chết chìm trong “bão” truyền thông, maketing BĐS
Thời gian gần đây, nếu theo dõi truyền hình và các phương tiện truyền thông, người ta có cảm giác như đang chứng kiến một cơn bão truyền thông đang xẩy ra trong lĩnh vực BĐS. Những dự án BĐS, đặc biệt là những dự án BĐS cao cấp đang bán hàng hoặc chuẩn bị bán hàng, hàng ngày vẫn xuất hiện ra rả trong “giờ vàng” của các kênh truyền hình.
Không chỉ quảng cáo trên truyền hình, những bài viết PR kín đáo có, lộ liễu có cũng xuất hiện nhan nhản trên mặt báo và các trang web điện tử. Đi kèm với nó, các chủ dự án và các công ty quản lý, tiếp thị BĐS còn không biết mệt mỏi tổ chức sự kiện bán hàng và giới thiệu sản phẩm đến nhà đầu tư.
Dường như chưa bao giờ, thông tin về dự án BĐS đến với nhà đầu tư lại được công khai và nhắc đến nhiều như thời điểm hiện nay.
Đã qua rồi thời kỳ người mua nhà phải bốc thăm quyền được mua.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ để doanh nghiệp BĐS có thể bán được hàng trong thời điểm thị trường đang rất khó khăn. Vì thế, để hấp dẫn nhà đầu tư đến với dự án của mình, chủ nhiều dự án còn liên tục điều chỉnh chiến lược bán hàng theo hướng có lợi cho người mua. Và dĩ nhiên, khi công bố những sự kiện này, nó như cái cớ để chủ đầu tư thêm một lần nữa làm truyền thông, tiếp thị sản phẩm.
Ngay cả việc làm truyền thông, maketing, trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn, chủ dự án và nhà môi giới cũng rất sáng tạo và quyết liệt trong việc tiếp cận khách hàng.
Một cán bộ cao cấp làm trong ngành Lao động Thương Binh Xã hội mới đây cho biết: Cả tuần nay, ngày nào điện thoại của ông cũng nhận được vài tin nhắn rác gửi đến để quảng cáo dự án căn hộ cao cấp hay quảng cáo dự án nghỉ dưỡng ở tận Đà Nẵng. Thậm chí không ít lần, nhân viên môi giới bán hàng còn gọi điện trực tiếp để tiếp thị đầy miễn cưỡng, dù ông không hề có ý định mua sở hữu hoặc đầu tư căn hộ.
Không chỉ vị cán bộ của ngành Lao động Thương binh Xã hội này mới được tiếp thị qua di động. Bởi hóa ra, việc quảng cáo tiếp thị sản phẩm BĐS qua thư rác điện thoại và cả qua các mạng xã hội hiện rất phổ biến. Vì vậy, thời gian gần đây, rất nhiều người sử dụng di động và sử dụng mạng xã hội cũng bị làm phiền, khi hàng ngày vẫn nhận được nhiều thư rác hoặc cuộc gọi của nhân viên tiếp thị bán BĐS.
Doanh nghiệp BĐS đổ bao nhiêu tiền cho maketing bán hàng?
Tại cuộc Hội thảo về tiếp thị BĐS năm 2011 được tổ chức tại khách sạn Legand Saigon mới đây, nhiều chuyên gia BĐS khẳng định: Thị trường BĐS Việt Nam đã qua rồi cái thời kỳ, chủ đầu tư làm dự án, rồi sau đó khách hàng tranh nhau vỡ đầu để mua được sản phẩm.
Chính vì bán được sản phẩm quá dễ dàng nên doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng trăm triệu đô la làm dự án, nhưng tiền bỏ ra để xây dựng thương hiệu dự án, doanh nghiệp chi rất ít, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bỏ qua cả công đoạn quan trọng này.
Thế nhưng tình hình thị trường BĐS hiện nay đã khác, để bán hàng, chủ dự án đang phải tìm mọi cách tiếp thị sản phẩm của mình. Và việc nhiều doanh nghiệp BĐS liên tiếp làm các chiến dịch tiếp thị, truyền thông bán hàng cũng đồng nghĩa việc doanh nghiệp phải đổ rất nhiều tiền để làm việc này.
Vậy, thực tế các doanh nghiệp BĐS đang đổ bao nhiêu tiền vào làm truyền thông, maketing bán hàng cho dự án của mình?
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cho biết: Đối với các doanh nghiệp trong nước, kế hoạch làm truyền thông, maketing bán hàng của dự án chiếm khoảng 2% doanh thu. Trong khi với các dự án BĐS cao cấp của chủ đầu tư nước ngoài, tiền làm truyền thông, maketing lên tới 5% doanh thu.
Còn trong thời điểm hiện tại, chi phí làm truyền thông, maketing bán hàng là một con số khủng khiếp, có thể khiến nhiều người giật mình chứ không phải con số ít ỏi từ 2-5% doanh thu nữa.
Ông Việt cho biết, hiện, để bán được hàng, nhiều chủ dự án vẫn phải chiết khấu cho nhà đầu tư từ 10-12% giá bán. Mức chi chí này trong kinh doanh gọi là chi phí bán hàng, nhưng theo ông Việt, đó thực chất cũng là chi phí maketing. Và nếu cộng với chi phí cố định doanh nghiệp dành cho làm truyền thông thì chi phí làm truyền thông, maketing bán hàng của nhiều dự án hiện lên đến 15-17% doanh thu. Đó là mức chi phí cao chưa khổng lồ từng thấy trong lĩnh vực BĐS. Nhưng cao như thế thì trong tình hình khó khăn của thị trường hiện tại, doanh nghiệp cũng chưa chắc đã bán được hàng như mong muốn.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group cũng cho rằng: chưa có khi nào doanh nghiệp BĐS lại mạnh tay chi tiền cho việc làm tiếp thị, bán hàng như hiện nay.
Việc thị trường gặp khó khăn khiến chủ dự án BĐS, nhất là những dự án chủ đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài phải tận dụng mọi cơ hội để làm truyền thông và liên tục có nhứng sáng tạo trong việc làm truyền thông, maketing. Ngay cả với những doanh nghiệp trong nước vốn có truyền thống cắt giảm nhiều chi phí, trong đó có chi phí cho truyền thông, thì hiện nay, chính các dự án có chủ đầu tư là doanh nghiệp trong nước cũng rất mạnh tay chi tiền làm truyền thông, maketinh bán hàng.
Tuy nhiên, việc làm truyền thông của các doanh nghiệp trong nước thường rất khác. Ấy là truyền thông qua quan hệ, truyền thông qua đánh gôn, ăn nhậu, du lịch… Những chi phí cho các hoạt động này rất tốn kém nhưng thường bí mật và không bao giờ được công khai. Vì thế mới có chuyện, doanh nghiệp BĐS trong nước làm quảng cáo, PR thì rất ít nhưng chi phí làm truyền thông nói chung thì… không hề ít.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, với những gì doanh nghiệp BĐS trong nước đã và đang làm, kinh phí nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước đầu tư cho truyền thông, maketinh bán hàng, thậm chí cũng không hề thua kém việc đầu tư cho truyền thông, maketinh bán hàng của các dự án đình đám của chủ đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang tiến hành.