Tuy không là thủ phủ nhưng Amritsar là thành phố chính của bang trù phú Punjab, bang đã đau thương chịu sự sẻ chia thành 2 phần cho 2 đất nước, bang chứng kiến cuộc di dân tôn giáo khổng lồ nhất và cũng chứng kiến cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu...
Lượm được một mảnh trăng muộn vẫn còn vấn vương khi đêm gần tàn...
Đền Vàng trước bình minh, những đèn đuốc nơi đây
phản chiếu ánh sáng vàng làm sáng một góc trời
phản chiếu ánh sáng vàng làm sáng một góc trời
Đoàn người thành kính vẫn làm lễ và đi cầu nguyện nguyên đêm
Dòng người thành kính đông đặc kiên nhẫn nhích từng bước để vào trong Đền Vàng
Vài thế kỷ gần đây, người ta mới biết nhiều đến Amritsar nhờ vào Ngôi đền Vàng, nhưng thực ra Amritsar, Punjab đã có 1 lịch sử văn hóa rất lâu đời, từ hơn 4.000 năm trước. Những di tích khảo cổ cho thấy ở đây đã từng xuất hiện nền văn minh Ấn Hà (Indus), của người Harappan vào thời xa xưa đó. Những di tích của giai đoạn Phật giáo hoàng kim thời vương triều Mauryan, những năm 321-184 trước CN, cũng được tìm thấy ở Sanghol, bang Punjab.
Sử thi Ấn Độ lừng danh Mahabharata cũng nhắc đến vùng đất này. Cả Alexander Đại Đế dũng mãnh trên đường chinh phục phương Đông cũng đã từng đến đây, trước khi quân sĩ của ông bắt đầu kiệt quệ vì cái nóng ẩm kinh người, những cơn mưa nhiệt đới kéo theo muỗi mòng bệnh tật nơi đây… dẫn đến sự thất bại, cuộc rút lui trên đường chinh phục phương Đông của người. Nói chung Punjab là một vùng đất giàu tính lịch sử.
Đền Vàng lúc chân trời hửng sáng, bình minh vẫn chưa lên
Nằm cách cách thủ đô New Delhi 428 km, Amritsar có cái tên bắt nguồn từ Amŗit - Sarovar có nghĩa "Pool of Nectar" – Hồ Mỹ Tửu (tạm “dịch” hạch), bắt đầu được biết đến trong vài thế kỷ gần đây bởi Ngôi đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh. Được bắt đầu xây dựng năm 1577, bởi vị Giáo sĩ (Guru) thứ 4 của đạo Sikh, Ramdas, đền Vàng là thánh địa của những người theo đạo Sikh. Trong đền lưu giữ văn bản gốc của kinh thánh Guru Granth Sahib mà nó được 4 vị giáo sĩ suốt ngày đọc qua hệ thống loa của đền.
Trời đã sáng xanh cái ánh sáng dịu dàng đầu ngày, nhưng mặt trời vẫn chưa chịu lên
Ra đời từ thế kỷ XV bởi vị giáo sĩ đầu tiên Guru Nanak (1469-1539), bắt nguồn từ sự phản kháng lại tính hình thức và sự cuồng tín của Ấn giáo và Hồi giáo. Đạo Sikh có thể được xem là sự trung dung giữa 2 đạo này, chú trọng truyền bá sự khoan dung, xây dựng cuộc sống thật thà và làm điều tốt. Khác biệt căn bản với đạo Hindu là đạo Sikh không phân chia đẳng cấp và chủng tộc. Sách kinh của đạo này là bản kinh Granth Saheb, gồm trước tác của 10 giáo sĩ đạo Sikh cùng với những bản kinh của đạo Hindu và Muslim.
Trong khi các đền thờ Hindu hướng về phía Đông, đền thờ Hồi giáo hướng về phía Tây, thì đền Vàng Hari Mandir tại Amritsar lại hướng về khoảng giữa của hai phương này. Giống đạo Hồi là không thờ cúng tượng nhưng đạo này lại cho phép việc lưu giữ hình ảnh của các vị giáo sĩ thần thánh…
Ánh dương đã dần lên
Ngôi đền Vàng này có mái vòm dát đến 750kg vàng sáng lấp lánh. Mái vòm này có hình bông sen úp ngược, tượng trưng cho sự thanh cao của người theo đạo Sikh tu hành chân chính. Tên của ngôi đền là Hari Mandir Sahib hay Darbar Sahib, thực ra là một ngôi đền cẩm thạch trắng 2 tầng, chỉ có mái vòm là dát vàng, nhưng tên đền Cẩm Thạch sao “sang” bằng đền Vàng. Ngôi đền nằm giữa một cái hồ vuông vức. Con đường đá cẩm thạch trắng từ bờ hồ đến ngôi đền giữa hồ lúc nào cũng ken chật người thành kính chờ đợi để được vào trong đền cầu nguyện. Nhìn hàng người đông đặc nhích chầm chậm từng milimet và việc là có vào bên trong cũng không được chụp hình nên tôi chỉ ngồi ngoài. Cái hồ thiêng này có tên là Amrit Sarovar, từ đó mới có tên của thành phố.
Xung quanh ngôi đền chính, thật ra còn có nhiều kiến trúc lộng lẫy khác, những thánh đường với những mái vòm củ hành, rồi những toà tháp thanh nhọn cao vút giữa trời xanh, soi bóng xuống hồ thiêng…tất cả những kiến trúc đó đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của hồ thiêng và Ngôi đền Vàng.
Theo NĐT