Bảo tàng Vasa - "con tàu ma quỷ" - Kiến trúc cổ - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

Bảo tàng Vasa - "con tàu ma quỷ" - Kiến trúc cổ - Bài viết

Bảo tàng Vasa - "con tàu ma quỷ"

Đến tham quan Thụy Điển, đất nước được mệnh danh xứ sở của bảo tàng, không ai bỏ qua bảo tàng hàng hải mang tên con tàu chiến vĩ đại của Thụy Điển - tàu Vasa.

Bước chân vào bảo tàng, cảm nhận ban đầu là mùi gỗ ngai ngái và trong ánh sáng mờ ảo "con tàu ma quỷ" hiện ra. "Ma quỷ" ở chỗ sau hơn 300 năm chìm sâu dưới đáy đại dương, nó lại đứng đây sừng sững không một vết rạn nứt với dàn cột buồm dây chão, cánh buồm vẫn như lúc vừa giong ra khơi. Bên hông tàu là những ô cửa để hướng nòng pháo ra ngoài. Thân tàu được chạm khắc hình sư tử, nàng tiên cá, chiến binh La Mã và các vị thần Hi Lạp...

Và có một câu hỏi mà du khách nào cũng thắc mắc: tại sao với nước biển, với tác động của không gian và thời gian, một con tàu được đóng bằng chất liệu gỗ từ thế kỷ 17 lại không hề rạn nứt suốt 333 năm?

Thành phố Stockholm, Thụy Điển

Trong cả hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Thụy Điển đều không tham gia. Bom đạn không giội xuống các thành phố nơi đây, những căn nhà và đường phố vẫn nguyên vẹn như vốn đã có một hai trăm năm trước. Lịch sử từ dạng thời gian được biến đổi thành dạng không gian và bạn tựa như đang trôi theo nó.

Bảo tàng quân đội nằm ở điện pháo binh, những bức tượng trong khu vườn Milles vẫn đứng nguyên ở nơi mà chúng đã được chính nhà điêu khắc đặt hơn nửa thế kỷ trước. Từ những khung cửa sổ của Vasa có thể nhìn thấy rất rõ khu vực đóng con tàu hoàng gia và cả nơi nó bị chìm.

 1.300m đi vào bất tử

Vasa được đóng tại xưởng đóng tàu ở trung tâm thành phố Stockholm. Sau đó, nó được chuyển tới vị trí khác không xa bến tàu của cung điện hoàng gia để vận chuyển tải dằn, đại bác và đạn dược lên tàu, chuẩn bị chuyến đi đầu tiên. Việc tàu rời bến cũng được tổ chức rất long trọng.

Tàu sẽ phải đi qua các đảo ngầm của Stockholm, đón 300 binh sĩ lên khoang, sau đó sẽ bắt đầu hành trình chinh chiến. Bởi vậy, trên khoang của Vasa ngoài 100 thành viên thủy thủ đoàn còn có cả phụ nữ và trẻ em. Họ đến chia tay chồng, cha mình trước chuyến đi và cũng để được đi trên chiếc chỉ huy hạm đẹp tuyệt vời này.

Bên trong Bảo tàng Vasa

Tuy nhiên gió không thuận lợi cho lắm, 100m đầu tiên rời bến, Vasa được kéo đi bằng dây chão cùng với neo. Sau đó thuyền trưởng Söfring Hansson ra lệnh: “Căng buồm mũi, buồm chính, buồm đuôi”. Các thủy thủ leo trên dây chão căng bốn trong số mười chiếc buồm. Đại bác bắn chào mừng...

Đoạn miêu tả tiếp theo được lấy từ bản báo cáo chính thức của hội đồng quốc gia trước vua Gustaf II Adolf: “Tàu bị nghiêng sang mạn, nước tràn qua các ô cửa đại bác và chìm dần xuống đáy biển, toàn bộ cờ và buồm vẫn căng...”.

Năm 1956 chiếc tàu chìm được phát hiện gần đảo Beckholmen, được đưa lên khỏi mặt nước và chuyển đến địa điểm đặc biệt vào năm 1961, nơi trong gần 20 năm liền diễn ra công việc khôi phục và bảo dưỡng. Năm 1987 một bảo tàng mới được tiến hành xây dựng dành cho con tàu. Ngày 15-6-1990 vua Karl XVI Gustaf long trọng khánh thành Bảo tàng Vasa.

Con tàu đã bơi được 1.300m và nằm dưới đáy biển 333 năm.

Con tàu đắm vĩ đại

Có lẽ Vasa nổi tiếng là do nó được tìm thấy và được đưa lên khỏi mặt nước? Liệu có chiếc tàu cổ nào ở vị trí giống như Vasa ngày nay lại không nổi tiếng? Câu chuyện tìm ra và nhấc Vasa lên khỏi mặt nước thể hiện qua các hiện vật chiếm một vị trí lớn trong bảo tàng.

Con tàu được Anders Franssen, một trong số những chuyên gia hàng đầu về lịch sử hải quân Thụy Điển thế kỷ 16-17 tìm thấy. Sau năm năm tìm kiếm các vị trí có thể của con tàu qua các tư liệu lưu lại, Franssen đã chế tạo thiết bị thăm dò đặc biệt và lên đường tìm kiếm. Ngày 25-8-1956, chiếc phao câu của ông “động đậy”: thiết bị thăm dò nổi lên cùng với một mảnh gỗ sồi đã thâm đen.

Mấy ngày sau đó, tại ví trí Franssen chỉ, thợ lặn Pier Edwin Felting đã lặn xuống và báo qua điện thoại: “Ở đây rất tối, tôi không nhìn thấy gì cả, nhưng cảm thấy có cái gì đó rất lớn. Mạn của con tàu. Ô cửa khoang đại bác và thêm một ô nữa. Hai hàng. Nó chắc hẳn là Vasa.

Tàu Vasa trong bảo tàng sau khi phục chế

Sau đó bắt đầu một loạt những điều khó có thể hình dung được. Cả nước tiến hành hoạt động “Hãy cứu Vasa”. Tiền của và thiết bị nhận được từ các quỹ tài trợ, các cá nhân và các công ty. Hải quân cung cấp tàu miễn phí, Công ty cứu hộ Neptun cung cấp thuyền phao và các thiết bị trục vớt. Mùa thu năm 1957 công việc bắt đầu tiến hành.

Công việc của các thợ lặn rất phức tạp và nguy hiểm. Tàu bị ngập sâu trong bùn và các lớp trầm đáy. Cần phải đào sáu đường hầm để luồn qua đáy tàu những sợi dây chão bằng thép chịu lực tốt. Thợ lặn làm sạch các đường hầm này bằng các vòi phun nước áp suất. Trên đầu họ luôn treo lơ lửng chiếc tàu 300 năm tuổi với lớp đá dằn dưới khoang đáy tàu.

Liệu thân tàu có chịu nổi tải không, chẳng ai có thể nói chính xác được…

Rồi tất cả cũng trải qua. Năm 1959, chiếc thuyền buồm lớn được nâng lên, treo giữa mặt nước và đáy biển. Giai đoạn 2 bắt đầu, có thể gọi đó là quá trình phục chế dưới nước. Các phần làm bằng gỗ của Vasa vẫn ở trong trạng thái rất tốt, đó là nhờ đặc điểm riêng của biển Baltic.

Do độ mặn của nước biển ở đây thấp hơn so với các đại dương khác, các loại hà - ăn mòn vỏ gỗ của tàu không phát triển được. Vì vậy những con tàu gỗ bị chìm ở biển Baltic có thể giữ được trong vài trăm năm. Tuy nhiên, dấu vết của những chiếc buloong bằng sắt chỉ còn lại là những lỗ thủng trên tàu.

Thợ lặn phải lắp vào đó những chiếc buloong mới, sửa một phần đuôi tàu bị hư hại và lắp thêm cho các ô cửa của khoang đại bác lớp nắp đậy chắc chắn hơn. Tất cả công việc này kéo dài trong hai năm.

Ngày 24-4-1961, dưới ống kính máy quay Vasa hiện dần lên khỏi mặt nước. Tàu được lưu giữ tốt đến mức sau khi nước được bơm hết ra khỏi tàu, Vasa lại… bơi như thường. Vasa được kéo về ụ tàu để tiếp tục phục chế. 

Kiến trúc chạm khắc trên tàu Vasa

Sau khi được đưa lên khỏi mặt nước, mỗi kilogam gỗ vỏ tàu chứa 1,5 lít nước. Trên mặt đất chỉ sau vài ngày gỗ bắt đầu khô đi và bị rạn nứt. Vasa có thể bị rạn vỡ hoàn toàn. Do đó tàu được phun một lớp dung dịch Polyethylene glycol - chất có trong thành phần son môi và kem dưỡng da tay. Đặc tính đặc biệt của nó là có thể xuyên sâu vào lớp gỗ và thay cho phần nước bên trong.

Các bức tượng và một số chi tiết bằng gỗ không lớn lắm được ngâm trong bồn tắm, còn thân tàu suốt 17 năm liền được phun bọc bằng Polyethylene glycol. Tuy vậy hiện giờ con tàu vẫn nhạy cảm với những thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và cả với tác động của ánh sáng. Chính vì vậy mà khách tham quan đành phải nhìn ngắm Vasa trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Vasa là con tàu đặc biệt, nhưng nó trở nên nổi tiếng không chỉ vì được tìm thấy và được đưa lên khỏi mặt nước. Mà hoàn toàn ngược lại, con tàu được tìm kiếm có mục đích rõ ràng và được nâng lên bởi vì nó là con tàu nổi tiếng. Vinh quang của nó vốn đã có từ trước khi nó được hạ thủy.

Chú thích:

(1) Narva - con sông ở khu vực biên giới giữa Nga và Estonia
(2) Dansik (Gdańsk) - thành phố phía bắc Ba Lan
(3) Wisla - con sông của Ba Lan - là con sông dài nhất và có lượng nước lớn thứ hai (sau sông Nheva) đồ vào biển Baltic
(4) Estland - vùng bắc Estonia trước kia
(5) Pomerania
(6) fun - đơn vị khối lượng (của Anh 453,6g, của Nga 409,5g)

HOÀNG HÀ MAI (Theo tạp chí Vokrug Sveta)

Theo TTO

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa