Tín dụng bất động sản sẽ được giải tỏa
* Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Ông có thể cho biết ý nghĩa của chỉ thị này với thị trường BĐS?
Thị trường BĐS thời gian qua phát triển rất mạnh, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, cả khu vực nhà nước và tư nhân. Quy mô thị trường đang trở thành một trong những khu vực lớn nhất và tập trung, thu hút nguồn vốn rất lớn của đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, có tác động lan tỏa sang nhiều ngành sản xuất và kinh doanh khác.
Tuy nhiên, thị trường BĐS cũng đang bộc lộ những yếu kém và phát triển không minh bạch, không ổn định. Giá cả biến động lớn, cấu trúc sản phẩm không hợp lý, thiếu các loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu chính, chủ chốt của thị trường. Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động… còn hạn chế. Tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội còn lớn.
Nhà nước cũng đang thiếu một chính sách tài chính nhà ở, đặc biệt là tài chính bất động sản phù hợp với một quốc gia đất hẹp, người đông như hiện nay. Trong khi đó, thủ tục cấp phép giải phóng mặt bằng, xác định giá, thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, nhà ở… còn phức tạp, phiền toái và thiếu minh bạch.
Để khắc phục những yếu kém nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 2196 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý và giám sát thị trường BĐS, nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân cư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo anh sinh xã hội.
* Hiện nay, giá BĐS xuống thấp, thanh khoản gần như bị đóng băng. Theo ông, những yếu tố cần từ Chỉ thị này có thể giải tỏa được thanh khoản cho thị trường?
Có 2 yếu tố chính sẽ tác động mạnh đến thanh khoản của thị trường BĐS. Thứ nhất, toàn bộ quy định pháp lý và thủ tục hành chính có liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS sẽ được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Điều này có tác động làm tăng nguồn cung bất động sản và giải tỏa ách tắc về môi trường kinh doanh BĐS.
Thứ hai là tín dụng của ngân hàng cho khu vực này, kể cả tín dụng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu, cần bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời, áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở. Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. Tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
Như vậy, thanh khoản cơ bản của thị trường BĐS tập trung ở phân khúc thị trường chủ chốt sẽ được giải tỏa và phục hồi, bắt đầu từ năm 2012.
* Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường BĐS năm 2012?
Với việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tín dụng vừa kiểm soát lạm phát vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường BĐS và ngành xây dựng như trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng với triển vọng lạm phát năm 2012, tôi cho rằng, lãi suất ngân hàng sẽ bắt đầu giảm rõ rệt từ quý II/2012; khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng cũng sẽ được cải thiện vào thời điểm này.
Vì vậy, dự báo thị trường tài sản nói chung, bao gồm chứng khoán và BĐS bắt đầu có dấu hiệu phục hồi vào giữa quý II/2012 và tiếp tục tăng trưởng nhẹ vào các quý sau đó. Nếu chính sách này được duy trì thì thị trường BĐS có thể phục hồi rõ nét từ quý IV/2012. Điều này cũng phù hợp với xu hướng biến động của kinh tế thế giới và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được cải thiện rõ ràng hơn vào cuối năm 2012, đầu năm 2013.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán