Thị trường căn hộ chung cư gặp khó
Sau khi có thông tin về sở hữu chung cư có thời hạn, thị trường căn hộ chung cư ở TP.HCM có dấu hiệu “lệch” hướng. Khách hàng hoang mang, nhà đầu tư điêu đứng.
CB Richard Ellis, có văn phòng tại TP.HCM vừa đưa ra nhận định: Với khoản đầu tư tương đương, khách mua hiện tại có xu hướng lựa chọn loại hình bất động sản gắn liền đất tuy vị trí có xa trung tâm hơn so với căn hộ chung cư có cùng mức giá.
Căn hộ chung cư sẽ đi về đâu khi người mua nhà đang hoang mang về thông tin sở hữu chung cư có thời hạn? |
“Tắc đường” mua chung cư
Thông tin về việc sở hữu chung cư có thời hạn đã gây không ít hoang mang cho người đang có nhu cầu mua chung cư. Tâm lý lâu đời của người Việt Nam là “an cư” mới “lạc nghiệp”, chính vì vậy, chẳng ai muốn bỏ ra một “đống” tiền để mua nhà nhưng vài chục năm sau lại bị thu hồi.
Anh Tuấn, tìm đến một sàn Giao dịch BĐS trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) để tìm hiểu mua căn hộ chung cư, nghe mọi người “kháo” nhau về chuyện chỉ được quyền sở hữu chung cư có 50 năm, anh Tuấn tỏ ra lo lắng: “Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ thuộc loại trung bình khá thôi, khó khăn lắm mới “chạy” đủ tiền mua chung cư, giờ đây tôi không cảm thấy an toàn khi mua nữa, bởi chúng tôi muốn sở hữu căn hộ lâu dài”.
Theo anh Công Toản, nhân viên Công ty thực phẩm trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP.HCM), khi đã là tài sản thì người dân có quyền sử dụng lâu dài và để làm của hồi môn cho con cháu. Nếu chính sách này được áp dụng, thì chẳng phải tài sản mà họ tích góp cả đời chẳng mấy chốc sẽ bị thu hồi, như vậy có khác gì tước quyền sở hữu tài sản của người dân.
Còn chị Hồng Hoa ở quận Gò Vấp (TP.HCM), đang muốn tìm mua một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp, lo sợ nếu đề xuất này - sở hữu chung cư có thời hạn - đi vào thực hiện sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư vào chung cư nữa.
Qua khảo sát, hiện các nhà đầu tư BĐS đang có xu hướng chuyển sang đầu tư nhà có quỹ đất, và nguồn cung này sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, đất ở sẽ rơi vào tay những người có tiền, còn những người có thu nhập thấp, sẽ chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ “an cư”. Nghịch lý tất yếu sẽ diễn ra: Người có nhu cầu nhà ở thật sự thì không với tay được, còn người có tiền thì tha hồ thao túng thị trường.
Theo nhiều người dân, nếu chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn nhất định, thì thực chất đây chỉ là hình thức thuê nhà dài hạn mà người thuê phải trả một số tiền lớn cùng một lúc.
Được biết, mục đích của việc đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời gian là sau quá trình sử dụng vài chục năm, chung cư xuống cấp, sẽ được thu hồi để sửa chữa, hoặc xây mới. Tuy nhiên, với chị Kiều Liên, nhân viên một Công ty đầu tư BĐS cho biết, thời điểm này, nhiều người dân tìm mua chung cư đã rất đắn đo, bởi ai cũng có tâm lý mua nhà là muốn sở hữu vĩnh viễn.
Chị Sương, quản lý một sàn giao dịch BĐS ở quận 7 (TP.HCM) cho biết, công ty chỉ chuyên bán các căn hộ chung cư, trước đây giao dịch rất đông, lượng bán ra khá nhiều, nhưng từ khi lãi suất ngân hàng tăng cao, các giao dịch giảm. Đến khi có thông tin về việc sở hữu chung cư có thời gian thì việc mua bán gần như tắt ngấm, nếu ngày nào có giao dịch cũng chỉ là tìm hiểu thông tin, chứ chưa hợp đồng nào được ký kết.
Xu hướng thành phố “thấp”
Theo định hướng phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 thì thành phố này sẽ tiến ra biển Đông theo mô hình của một đô thị ven biển. Khi đó, TP.HCM sẽ có hệ thống giao thông đa năng của một đô thị lớn và hiện đại, bao gồm: hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không quốc tế và hệ thống giao thông bộ, giao thông thủy liên hoàn.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành địa chất cho biết, TP.HCM khó xây dựng được các cao ốc, chung cư cao tầng tại các vùng đất ven biển như quận 2, Cần Giờ, Nhà Bè bởi kết cấu địa chất khu vực này rất yếu. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất là quy hoạch các cụm dân cư, đô thị mới theo hướng thấp tầng.
Thực tế cho thấy, tương lai huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) - tiếp giáp với quận 9 và quận 2 (TP.HCM) – sẽ trở thành một đô thị mới theo hướng thấp tầng. Theo quy hoạch đã duyệt, khu đô thị mới Nhơn Trạch sẽ hình thành những căn hộ biệt thự và những dãy nhà liền kề từ 2 – 3 tầng cùng nhiều công trình phúc lợi xã hội và hệ thống cây xanh.
Kết cấu đô thị thấp tầng cũng đã và đang hình thành tại các đô thị vệ tinh của TP.HCM và các vùng, cụm công nghiệp – đô thị phụ cận như Nhà Bè, Khu đô thị Đông và Nam Sài Gòn (TP.HCM); Thuận An, Dĩ An (Bình Dương); Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa (Long An)…
KTS. Đào Minh Tâm, Trưởng phòng xây dựng của một Công ty BĐS tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, đô thị thấp tầng phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, người Việt Nam thường thích xung quanh ngôi nhà có khoảng không gian nhất định, bên cạnh đó, họ luôn cảm thấy gò bó bởi các quy định nghiêm ngặt khi ở căn hộ chung cư.
Ngoài ra, căn hộ riêng lẻ hoặc thấp tầng thường có những lợi thế về an toàn phòng cháy, chữa cháy; không gian thoáng mát, gần với thiên nhiên (như thiết kế nhiều cửa sổ, chủ động về mảng xanh), khả năng di chuyển nhanh (không gửi xe, không chờ thang máy…), và khả năng biệt lập nhất định so với căn hộ chung cư.
Chị Bùi Thu Hương, nhà ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) chia sẻ: “Tâm lý của phần lớn người mua nhà lúc nào cũng thích nhà riêng lẻ hơn là căn hộ chung cư. Nếu có điều kiện về kinh tế, họ sẵn sàng bỏ thêm một khoảng tiền để sở hữu nhà có đất, bởi tâm lý ngoài giá trị ngôi nhà còn có thêm giá trị của miếng đất. Mà rõ ràng, giá trị của đất mới làm họ yên tâm khi quyết định bỏ tiền ra mua”.
Theo Tổ Quốc